Theo một báo cáo giữa năm của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ra ngày 27.5, viễn cảnh kinh tế-tài chính toàn cầu được dự báo là sẽ đặc biệt ảm đạm dù có khả năng hồi phục nhẹ vào năm 2010 nếu các biện pháp chính sách hiện hành có tác dụng.
Báo cáo mang tên “Tình hình và viễn cảnh kinh tế toàn cầu (WESP) 2009” do Ủy ban các vấn đề kinh tế và xã hội LHQ (DESA) soạn thảo có đoạn viết: “Nếu các thị trường tài chính không sớm thoát khỏi bế tắc và nếu các giải pháp kích thích tài chính không đủ sức kéo các thị trường ra khỏi vũng lầy thì suy thoái sẽ còn tiếp tục kéo dài tại hầu hết các nước. Kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phát triển ì ạch”.
DESA nhận định kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng âm 2,6% trong năm 2009 khiến các nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng mạnh, chi phí vay tiền tăng lên, bao cấp cho dòng tiền gửi tăng, nền thương mại thế giới sụp đổ.
Đặc biệt, DESA nhấn mạnh mặc dù G20 đã bơm thêm “đáng kể” một lượng tiền vào các nền kinh tế trong nước mình nhưng lại đáp ứng rất ít nguồn lực cho các nước đang phát triển đảm bảo phát triển dài hạn.
“Hiện tại, tình hình kích cầu trên thế giới vô cùng mất cân đối. 80% tiền kích cầu tập trung vào các nước phát triển trong khi hầu hết các quốc gia đang phát triển thiếu nguồn lực tài hính để thực hiện các biện pháp bình ổn xã hội, đối phó với những hậu quả của khủng hoảng”.
Vì vậy, DESA kêu gọi phải có giải pháp vĩ mô mang tính phối hợp hơn và cân đối hơn. Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ 7% của các nền kinh tế đang phát triển sẽ kéo nền kinh tế thế giới hồi phục tốc độ tăng trưởng hàng năm lên tới 4%-5% trong giai đoạn 2010-2015.
Hiện tại, các nền kinh tế tại châu Phi, Mỹ Latinh và vùng Caribbe đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ khủng hoảng kinh tế. Báo cáo của DESA dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của châu Phi trong năm 2009 là 0,9%, giảm 4% so với năm 2008.Các nền kinh tế Nam Mỹ dự kiến sẽ giảm trung bình gần 1% trong năm nay trong khi Mexico và Trung Mỹ giảm hơn 4%.
Tại châu Á, nhu cầu thương mại quốc tế rớt mạnh sẽ khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực này giảm một nửa, xuống còn 3%. Các chỉ tiêu đảm bảo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo đều thất bại. Số người thất nghiệp dự báo ban đầu 50 triệu sẽ dễ dàng tăng gấp đôi trong vòng 2 năm tới nếu tình hình tiếp tục xấu đi. Bài học rút ra từ các cuộc khủng hoảng tài chính trước cho thấy thông thường phải mất 4-5 năm mới khôi phục lại tỉ lệ thất nghiệp giống như trước khi xảy ra khủng hoảng sau khi kinh tế hồi phục.
|