|
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế-tài chính, cử tri các nước thành viên EU quan tâm nhiều đến các vấn đề trong nước thay vì các vấn đề chung của khối. |
Cuộc bầu cử kéo dài 4 ngày của Quốc hội châu Âu, một trong những cơ quan lập pháp có quyền lực nhất thế giới, đã bắt đầu mở màn vào hôm nay (4.6) trong bối cảnh có nhiều lo ngại số lượng cử tri đi bầu sẽ rất thấp.
Vương quốc Anh và Hà Lan là những nước bỏ phiếu đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 quốc gia thành viên.
Có hơn 375 triệu cử tri có quyền bỏ phiếu hợp pháp.
Tuy nhiên, nhiều người dự đoán số người thực sự đi bầu sẽ rất thấp, giống như đã từng xảy ra trong cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2004 với tỉ lệ cử tri đi bầu thấp kỉ lục 45%.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế-tài chính đang diễn ra trầm trọng, nhiều cử tri có xu hướng quan tâm đến các vấn đề của quốc gia thay vì vấn đề chung của cả khối. Vì vậy, kết quả bầu cử có thể sẽ làm một số chính phủ thành viên EU thất vọng.
Đã có ý kiến lo ngại cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ tạo nhiều yếu tố có lợi cho các đảng phái cực đoan như Mặt trận quốc gia của Pháp.
Quốc hội châu Âu có 736 ghế chia theo tỉ lệ khác nhau cho 27 nước thành viên tùy theo số dân của nước đó. Đức là nước có dân số đông nhất nên được chia số ghế nhiều nhất (99 ghế) trong khi Malta chỉ có 5 ghế.
Quốc hội châu Âu là thể thế chính trị có quyền lực nhất châu Âu chịu trách nhiệm ban hành luật và giám sát việc thực thi pháp luật ở mọi lĩnh vực lớn nhỏ của cuộc sống.
|