|
Hiện nay khó có thể đoán định ai trong số 2 ứng viên hàng đầu-đương kim Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad (trái) hay cựu Thủ tướng Mir-Hossein Mousavi (phải)- giành được chiến thắng |
Hai ứng viên hàng đầu chạy đua vào chiếc ghế tổng thống Iran nhiệm kỳ tiếp theo-đương kim Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad và cựu Thủ tướng Mir-Hossein Mousavi- dường như khó có thể đảm bảo chắc chắn thắng lợi về phía mình khi cuộc đua nghẹt thở của họ bước vào ngày vận động tranh cử cuối cùng vào hôm qua (10.6).
Hàng nghìn người Iran hôm 10.6 đã đổ ra đường tuần hành biểu dương lực lượng ủng hộ cho các ứng viên yêu thích của họ trong lúc các ứng viên không ngừng tăng cường công kích đối thủ trong ngày vận động cuối cùng. Các hoạt động vận động tranh cử sẽ ngừng lại bắt đầu từ hôm nay để chuẩn bị cho ngày bầu cử chính thức.
Giới phân tích dự đoán cuộc bầu cử tổng thống lần này là sân tỉ thí giữa 2 đối thủ chính là đương kim Tổng thống Ahmadinejad theo đường lối bảo thủ, cứng rắn và cựu Thủ tướng Mousavi theo chủ nghĩa cải cách.
Hiện có nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc ai sẽ giành được chiến thắng.
Ông Ahmadinejad giành được nhiều sự ủng hộ đồng thời không ít sự chỉ trích vì đã có những chính sách cứng rắn với phương Tây và chi tiêu ngân sách.
Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống từ năm 2005 đến nay, ông này luôn trung thành với đường lối cứng rắn đối với Mỹ và Israel, những nước luôn cáo buộc Iran bí mật phát triển vũ khí hạt nhân. Bất chấp áp lực và các lệnh cấm của phương Tây, đương kim tổng thống Iran đã thành công trong việc thúc đẩy các hoạt động hạt nhân của Iran mà Tehran tuyên bố vì mục đích năng lượng hòa bình.
Tuy nhiên, các nhà phê bình chỉ trích ông Ahmadinejad đã đối đầu không cần thiết với phương Tây khiến cho Mỹ thành công trong việc thuyết phục Liên Hiệp Quốc trừng phạt Iran, làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của nước này.
Trong lĩnh vực kinh tế, ông Ahmadinejad đã tăng đáng kể chi tiêu ngân sách và ủng hộ chính sách trợ cấp cho các hộ gia đình thu nhập thấp. Trong bối cảnh kinh tế Iran đang lạm phát mạnh và có tỉ lệ thất nghiệp cao, chủ trương chi tiêu ngân sách kỉ lục của ông Ahmadinejad thường xuyên trở thành mục tiêu bị đả kích.
Ngược lại, ông Mousavi và một ứng viên theo chủ nghĩa cải cách khác là cựu phát ngôn viên Quốc hội Mehdi Karroubi cam kết đem lại tự do nhiều hơn cho xã hội Iran, cải thiện kinh tế và theo đuổi mối quan hệ hòa hảo hơn giữa Iran và cộng đồng quốc tế. Vì vậy, 2 ứng viên này đã giành được cảm tình của nhiều thanh niên Iran.
Ông Mousavi, người từng làm Thủ tướng Iran từ 1981-1989, đã từng được đông đảo người dân ca ngợi về tài lãnh đạo xuất sắc, đặc biệt là trong việc điều hành kinh tế đất nước suốt thời kỳ chiến tranh Iran-Iraq kéo dài từ năm 1980 đến 1988.
Ông này đã và đang nhận được sự ủng hộ của cựu Tổng thống Iran Mohammad Khatami, một người theo chủ nghĩa cải cách đã tự rút lui khỏi cuộc đua năm nay để nhường đường cho ông Mousavi.
|