Một phái đoàn các quan chức Hàn Quốc hôm nay (11.6) đã đến CHDCND Triều Tiên để đàm phán về dự án hợp tác kinh tế song phương đang gặp trở ngại tại khu công nghiệp Kaesong. Cuộc gặp mặt hiếm hoi trong vòng 1 giờ giữa hai miền Triều Tiên diễn ra giữa lúc Liên Hiệp Quốc chuẩn bị ban hành lệnh trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng.
Khu công nghiệp Kaesong từng được xem là biểu tượng cho sự hòa giải dân tộc giữa 2 miền Triều Tiên. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên nóng lên từng ngày, cuộc gặp lần hai giữa 2 nước kể từ đầu năm đến nay ít có cơ hội tiến triển tốt.
Bình Nhưỡng đòi gần 100 công ty Hàn Quốc phải trả lương cao hơn cho khoảng 40.000 lao động Triều Tiên đang làm việc tại khu công nghiệp Kaesong thuộc lãnh thổ CHDCND Triều Tiên. Đồng thời, phía Triều Tiên cũng yêu cầu Hàn Quốc trả phí thuê mặt bằng và thuế nhiều hơn. Tháng trước, CHDCND Triều Tiên đã đơn phương hủy mọi thỏa thuận thuê đất và tiền lương và tuyên bố công ty Hàn Quốc nào không chấp nhận điều kiện mới của Bình Nhưỡng thì ngưng hoạt động.
Nhiều công ty Hàn Quốc đã cân nhắc quyết định rút khỏi khu công nghiệp Kaesong vì lo ngại cho tình hình an ninh của nhân viên mình và vì khách hàng giảm bớt đơn đặt hàng. Trên thực tế, một công ty đã ngưng sản xuất tại khu công nghiệp Kaesong.
Trước khi lên đường sang Bình Nhưỡng, trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Kim Young-tak cho biết trong chuyến đàm phán lần này, Hàn Quốc dự kiến sẽ đề cập đến vấn đề số phận của một trong những công nhân nước này bị CHDCND Triều Tiên bắt giữ hơn 2 tháng qua vì tội xúc phạm đến các nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Trong một diễn biến liên quan, 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA) hôm 10.6 đã nhất trí với bản dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo có nội dung thắt chặt lệnh cấm vận và trừng phạt Bình Nhưỡng sau khi CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần hai và phóng thử ít nhất 5 tên lửa. Theo đó, các nước này cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ mở rộng cấm vận kinh tế, kiểm soát vũ khí, vận tải đường bộ, đường không và đường thủy đối với Bình Nhưỡng.
HĐBA gồm 15 nước thành viên sẽ thảo luận và bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết này vào ngày mai (12.6).
|