|
Một kỹ thuật viên của công ty sản xuất vaccine Trung Quốc Sinovac Biotech Ltd. đang thao tác bào chế vaccine ngừa cúm A (H1N1) tại Bắc Kinh ngày 14.6.2009 |
Một làn sóng lây lan mới của dịch cúm A (H1N1) đang hiện hữu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương khi Thái Lan, New Zealand, Philippines và Trung Quốc hôm 14.6 ghi nhận số ca mắc và nghi mắc mới tăng ở cấp độ 2 con số. Cùng ngày, châu Âu đã có ca tử vong vì H1N1 đầu tiên tại châu lục này sau khi các quan chức y tế Scotland thông báo một bệnh nhân mắc bệnh đã chết.
Bộ Y tế công Thái Lan trấn an người dân trong khi hoàng gia nước này thông báo phát hiện thêm 44 ca nhiễm cúm mới tại nước này, nâng tổng số người bị mắc hoặc nghi mắc cúm trên toàn quốc thành 150. Nước này ghi nhận 2 ca nhiễm cúm đầu tiên vào ngày 12.5. Tốc độ lây lan của dịch bệnh đã chậm lại cho tới ngày 12.6 khi có 43 ca được xác nhận khắp cả nước chỉ trong vòng 1 ngày.
Tại New Zealand, Bộ Y tế nước này xác nhận tổng số ca nhiễm cúm trong ngày 14.6 đã tăng vọt lên thành 71, cao hơn một ngày trước đó 28 ca. Bệnh đã bắt đầu lây lan rộng hơn ở những đối tượng không phải là người trở về từ vùng có dịch ở nước ngoài. Bộ trưởng Y tế New Zealand Tony Ryall cho biết nước này đã chuẩn bị cho tình huống dịch lây lan trong cộng đồng và New Zealand có khả năng đối phó với tình hình xấu hơn trong vài ngày tới.
Các nhà chức trách Philippines hôm 14.6 thông báo có thêm 36 ca nhiễm cúm mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 147. Trung tâm dịch tễ học quốc gia Philippines cho biết có 3 trong số 36 nhiễm mới là người nước ngoài.
Cùng ngày, các quan chức chính phủ nước này tuyên bố dịch cúm đã bùng phát ở cấp độ cộng động tại một ngôi làng ở tỉnh Nueva Ecija, cách thủ đô Manila 170km về phía đông bắc. 92 người tiếp xúc với 11 trẻ em đã có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A (H1N1) tại làng này đã biểu hiện các triệu chứng của bệnh.
Trung Quốc đại lục thì phát hiện 20 ca nhiễm mới trong ngày 14.6, nâng tổng số ca mắc bệnh tại đây lên 185.
Singapore và Ấn Độ lần lượt có 7 và 2 ca nhiễm mới. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh tại 2 nước này đều trở về từ vùng có dịch ở nước ngoài như Mỹ và Mexico.
Về ca tử vong vì cúm A (H1N1) đầu tiên tại châu Âu, Bộ Y tế Scotland cho biết bệnh nhân bị mắc cúm nhẹ nhưng vì có tiền sử bệnh tật trước đó nên sức khỏe của người này kém, không đủ khả năng chống chọi với bệnh tật. Các quan chức y tế Scotland từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về bệnh nhân này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11.6 đã tuyên bố dịch cúm A(H1N1) là đại dịch cúm toàn cầu và khuyến cáo chính phủ các nước nên chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài chống vi rút cúm.
Cho đến nay, hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra tại Mexico, nguồn của dịch bệnh. Trong khi đó, Mỹ là nước có số ca nhiễm cúm cao nhất với hơn 13.000 mắc bệnh.
|