Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 9 đã bắt đầu khai mạc tại thành phố Urals, bang Yekaterinburg của Nga vào hôm nay (15.6). Hội nghị kéo dài 2 ngày này qui tụ hơn 700 đại biểu, trong đó có các nhà lãnh đạo, đến từ các nước thành viên để tập trung bàn về các vấn đề an ninh, hợp tác kinh tế và năng lượng trong khu vực.
Bên cạnh đó, một số nhà lãnh đạo cũng đến Nga để tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của 4 nền kinh tế đang nổi lớn gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (gọi tắt là nhóm BRIC).
Chủ đề nghị sự chính của cả 2 hội nghị tại Yekaterinburg là làm cách nào để đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
SCO được thành lập vào năm 2001 với sự tham gia của Nga, Trung Quốc và 4 nước Trung Á gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan với mục đích ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan trong khu vực và củng cố an ninh biên giới.
Ấn Độ, Pakistan, Iran và Mông Cổ sau đó đã tham gia với tư cách là quan sát viên.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, các nước SCO muốn ưu tiên hướng tới ổn định kinh tế và giữ vững tăng trưởng xuyên Âu-Á thông qua hợp tác và thương mại đa phương hơn là quan tâm đến vấn đề an ninh, chính trị.
Đã có những động thái xây dựng một thị trường năng lượng và hành lang vận tải chung giữa các nước SCO.
BRIC cũng ra đời cùng thời điểm với SCO.
Trong cuộc gặp BRIC, các bên tham gia sẽ thảo luận những biện pháp chung cùng nhau vượt qua khủng hoảng cũng như những vấn đề cải cách hệ thống tài chính quốc tế, an ninh năng lượng và lương thực cũng như vấn đề biến đổi khí hậu.
Qua 8 năm hình thành và phát triển của nhóm này, người ta đã nhận thấy một sự chuyển biến quyền lực kinh tế, chính trị trong đó Trung Quốc là nước được hưởng lợi nhiều nhất.
|