Các nhà lãnh đạo của những nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm nay (18.6) đã hội tụ tại Brussels (Bỉ) để chung tay giải quyết 2 vấn đề gai góc nổi bật của hội nghị thượng đỉnh EU lần này: Hiệp ước Lisbon và biện pháp siết chặt qui định tài chính.
Ngoài ra, hội nghị còn giải quyết một nhiệm vụ dễ dàng hơn là bầu đương kim Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso vào nhiệm kỳ hai của ông này.
Ông Barroso không có đối thủ, thậm chí còn nhận được sự ủng hộ của một số lãnh đạo cánh tả dù ông Barroso là một người theo đường lối bảo thủ.
Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ngay sau khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vừa mới kết thúc với kết quả phe cánh hữu chiếm ưu thế và lực lượng hoài nghi EU giành được một số thắng lợi.
Ông Barroso sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc điều hành EP nếu ông này trúng cử nhiệm kỳ hai.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã mất nhiều năm tích cực sửa đổi hiến pháp nước mình với mục tiêu hướng tới sự hoạt động hiệu quả hơn của toàn liên minh. Họ cũng đặt quyết tâm hoàn tất việc phê chuẩn Hiệp ước Lisbon trong năm nay.
Tuy nhiên, quyết tâm đó có khả năng khó trở thành hiện thực vì chính phủ Ireland vẫn còn phải chờ kết quả một cuộc trưng cầu dân ý lần hai về sửa đổi hiến pháp vào tháng 10 tới.
Cuộc trưng cầu dân ý này có vai trò quyết định đối với tương lai Hiệp ước Lisbon. Đó có lẽ là trở ngại lớn cuối cùng vì hầu hết 27 nước thành viên EU đã thông qua hiệp ước.
Vấn đề nóng bỏng thứ hai trong hội nghị thượng đỉnh EU kéo dài 2 ngày lần này là thành lập và xác định quyền hạn của Hội đồng đánh giá rủi ro mang tính hệ thống của châu Âu trực thuộc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Cơ quan mới đóng vai trò giám sát tài chính của EU đã được một hội đồng chuyên gia do cựu giám đốc điều hành IMF Jacques de Larosiere lãnh đạo đề xuất xây dựng. Nhiệm vụ của cơ quan này là nhận diện bất kỳ một nguy cơ đe dọa nào đối với sự ổn định tài chính trên khắp châu Âu.
Chính phủ Anh lo ngại sự hình thành của hội đồng giám sát tài chính trực thuộc ECB sẽ làm lung lay quyền lực của trung tâm tài chính đặt tại London. Cùng với Anh, một số nước khác thuộc EU cũng không muốn vai trò chủ chốt này trở thành đặc quyền đặc lợi của 16 nước thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Euro.
Ngoài ra, còn có một câu hỏi lớn đặt ra là liệu hệ thống giám sát tài chính châu Âu có quyền vượt qua những qui định tài chính của chính phủ một nước hay không.
Hội nghị thượng đỉnh EU cũng sẽ đề cập tới vấn đề biến đổi khí hậu, chuẩn bị cho hội nghị cùng đề tài của Liên Hiệp Quốc vào tháng 12 tới.
Cộng hòa Czech, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, muốn tập trung bàn về việc EU cần phải tăng cường hỗ trợ cho các nước đang phát triển giảm bớt những ảnh hưởng bất lợi của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.