Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm nay (24.6) đã bắt đầu khai mạc một hội nghị cấp cao kéo dài trong 3 ngày để cân nhắc các biện pháp giúp đỡ các nước nghèo nhất và dễ tổn thương nhất trên thế giới vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu hiện nay.
Trong số các giải pháp bàn đến có việc gây thêm quỹ để bù vào khoản thiếu hụt thu nhập kinh tế quốc dân ước tính khoảng 1-2 nghìn tỉ USD của các nước đang phát triển do sụt giảm sản lượng xuất khẩu và do dòng tiền vốn chảy ra khỏi nền kinh tế dưới tác động của cuộc khủng hoảng.
Quỹ sẽ được gây dựng trên cơ sở Các quyền rút tiền đặc biệt mới, một loại tài sản dự trữ quốc tế do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chuẩn bị phát hành. Tiền trợ giúp sẽ được xem xét cung cấp trên nền tảng nhu cầu của nước muốn vay.
Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Miguel D'Escoto Brockmann cho biết mục đích của hội nghị cấp cao LHQ lần này là “nhận diện ra những phản ứng khẩn cấp và lâu dài giảm nhẹ tác động của khủng hoảng, đặc biệt là tác động lên các đối tượng người dân dễ bị tổn thương”.
Hội nghị còn “phát động một cuộc đối thoại cần thiết về việc việc cải tổ kiến trúc tài chính thế giới có tính đến nhu cầu và quan ngại của tất cả các quốc gia thành viên”. Các nước đang phát triển vốn chiếm số đông trong Đại Hội đồng LHQ gồm 192 nước cho rằng họ đang phải trả giá cho một cuộc khủng hoảng do các nước phát triển gây ra.
Các nhà tổ chức nhấn mạnh rằng Ngân hàng Thế giới (WB) đang đặt kế hoạch lấp đầy thiếu hụt tài chính lên tới 700 tỉ USD của các nước đang phát triển, nơi dự kiến sẽ gánh chịu hậu quả có thêm 1,5-2,8 triệu trẻ mồ côi tử vong vào năm 2015 và có thêm hơn 100 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói mỗi năm trong suốt thời kỳ suy thoái kinh tế.
Martin Khor, Giám đốc điều hành của Trung Tâm phương Nam, một nhóm các chuyên gia cố vấn chính sách cho các nước đang phát triển có trụ sở đặt tại Geneva, nhấn mạnh hiện chỉ có nhóm các nước lớn hay nước giàu như G8, G20 mới có quyền quyết định phản ứng đối phó với khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu. Phần lớn của nước đang phát triển chẳng có tiếng nói nào.
Tuy nhiên, các nước phát triển chủ chốt rõ ràng là rất thiếu quan tâm đến việc giúp đỡ các nước nghèo hơn. Điều đó thể hiện qua việc cử những phái đoàn cấp thấp đến dự hội nghị.
|