|
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso dự kiến sẽ cùng tái kêu gọi Trung Quốc giúp đỡ gia tăng sức ép buộc CHDCND Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân |
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso sẽ gặp gỡ trong hôm nay (28.6) với ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự là tìm cách giải nhiệt vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Cuộc gặp cấp cao song phương diễn ra giữa lúc Bình Nhưỡng đang gia tăng đe dọa đối đầu. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế nghi ngờ CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị phóng thêm tên lửa trong một cuộc diễn tập quân sự sắp diễn ra ngoài khơi bờ biển phía đông nước này.
Tình hình căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á nổ ra sau khi CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần hai vào ngày 25.5 và phóng thử nhiều tên lửa sau đó.
Hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ thảo luận cách triển khai các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ), cụ thể là giám sát chặt chẽ hơn tàu thuyền chở hàng nghi có chở vật liệu hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Ông Lee và ông Aso sẽ tái kêu gọi Trung Quốc giúp đỡ gia tăng sức ép lên CHDCND Triều Tiên, buộc Bình Nhưỡng phải tuân thủ theo những mong đợi của cộng đồng quốc tế và từ bỏ tham vọng hạt nhân.
CHDCND Triều Tiên đã tuyên bố sẽ chế tạo thêm nhiều bom hạt nhân và bắt đầu chương trình vũ khí mới dựa trên việc làm giàu uranium để trả đũa các biện pháp trừng phạt của LHQ.
Ngày 25.6 vừa qua, Bình Nhưỡng cảnh báo “đám mây hạt nhân” đã vần vũ trên bán đảo Triều Tiên và khẳng định sẽ củng cố kho vũ khí hạt nhân của mình để kỉ niệm cuộc nội chiến liên Triều 1950-1953.
Tokyo và Seoul đã và đang dẫn đầu trong nỗ lực tại Đông Á chống lại lập trường đối đầu của Bình Nhưỡng.
Chuyến đi Tokyo trong vòng 1 ngày của ông Lee là một phần trong chính sách “ngoại giao cấp cao con thoi” của Seoul. Theo đó, các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ gặp gỡ nhau mỗi năm 2 lần để bàn về các vấn đề kinh tế, ngoại giao song phương.
Ngoài vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, hai bên còn thảo luận xung quanh biện pháp thắt chặt quan hệ về mặt kinh tế như nối lại trao đổi thương mại tự do trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái; giúp đỡ Afghanistan và Pakistan chống lại các phần tử nổi dậy.
|