|
WHO cho biết Tamiflu chống được các chủng khác nhau của vi rút cúm mới H1N1 nhưng một số nhà phân tích lo ngại Tamiflu không hiệu quả bằng Relenza dạng xịt vì đã có nhiều ca nhiễm cúm mùa H1N1 kháng thuốc Tamiflu |
Các quan chức và hãng dược Roche Holding AG của Đan Mạch hôm 29.6 xác nhận một bệnh nhân bị nhiễm cúm A (H1N1) của nước này đã kháng thuốc Tamiflu-thuốc đặc trị chính đối với dịch bệnh cúm chết người đang hoành hành khắp thế giới hiện nay.
Đây là ca bị bệnh cúm A (H1N1) kháng thuốc Tamiflu đầu tiên được ghi nhận trên thế giới.
David Reddy, quản trị viên của hãng dược, cho biết không loại trừ khả năng vi rút cúm mùa thông thường cũng sẽ kháng thuốc.
Viện Huyết thanh Quốc gia Đan Mạch thông báo bệnh nhân nói trên hiện đang trong tình trạng sức tốt và không bị viêm nhiễm thêm sau khi các bác sĩ phát hiện ra những vi rút kháng thuốc trong cơ thể bệnh nhân này.
“Trường hợp nhiễm bệnh này không có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, không cần phải thay đổi khuyến nghị dùng thuốc oseltamivir (Tamilfu) trong điều trị cúm A (H1N1)”.
Tamiflu thường được dùng để trị vi rút cúm A (H1N1), ngăn chặn sự lây lan rộng của dịch bệnh ra cộng đồng. Nếu bệnh nhân uống sớm, chắc chắn các triệu chứng bệnh sẽ thuyên giảm và khả năng truyền bệnh của người này sang người khác cũng giảm theo.
Các chủng vi rút cúm thường xuyên biến đổi và có thể kháng thuốc vào bất kỳ lúc nào.
Chủng vi rút cúm mùa H1N1 là “họ hàng xa” của vi rút cúm A(H1N1) và đã kháng thuốc Tamiflu rộng rãi trong năm nay.
Ngoài nỗi lo vi rút kháng thuốc, người ta còn e ngại khả năng vi rút cúm A (H1N1) kết hợp với vi rút cúm gia cầm tạo thành một chủng vi rút cúm mới có độc tính mạnh hơn.
Các chuyên gia cho rằng thuốc xịt Relenza do hãng dược GlaxoSmithKline của Mỹ sản xuất có thể có tác dụng mạnh hơn Tamiflu do Roche Holding AG bào chế.
Trong tháng này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch cúm A(H1N1) là đại dịch cúm toàn cầu và khuyến cáo chính phủ các nước chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài chống lại loại vi rút cúm mới lây lan không ngừng. Hiện WHO chưa có bình luận gì về trường hợp kháng thuốc Tamiflu phát hiện tại Đan Mạch.
Theo số liệu công bố mới nhất của WHO, tính đến ngày 29.6, đã có 70.893 ca nhiễm và nghi nhiễm cúm A (H1N1) tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 311 ca tử vong.
Số ca nhiễm mới tăng mạnh (thêm 11.079 ca) trong 2 ngày nghỉ cuối tuần qua trong đó ca tử vong mới là 48 người.
Thế giới đã từng ghi nhận 3 đại dịch cúm trong thế kỷ trước. Đại dịch cúm tại Tây Ban Nha năm 1918 là nghiêm trọng nhất, làm chết 50 triệu người. Đại dịch cúm tại châu Á năm 1957 khiến 4 triệu người tử vong. Đại dịch cúm tại Hồng Kông năm 1968 cũng lấy đi khoảng 1 triệu mạng người.
|