|
Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ D'Escoto Brockman (giữa) tuyên bố bế mạc “Hội nghị LHQ về khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu cùng những tác động của nó lên sự phát triển” vào ngày 30.6.2009 tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ). Ảnh: Xinhua |
Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 30.6 đã kết thúc 5 ngày thảo luận về cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu cùng với những tác động của cuộc khủng hoảng này.
Đây là lần đầu tiên LHQ tổ chức một cuộc họp cấp cao để bàn về chủ đề khủng hoảng tài chính thế giới.
Các nhà lãnh đạo và đại diện đến từ 150 quốc gia thành viên LHQ và các tổ chức quốc tế đã tập trung thảo luận về tác động của cuộc khủng hoảng lên các nước đang phát triển và bàn về việc cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu.
Đại biểu đến từ các nước đang phát triển nhấn mạnh mặc dù các nước nghèo không phải là “thủ phạm” gây ra khủng hoảng nhưng họ lại là người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Các đại biểu này cũng khẳng định hệ thống tài chính hiện hành vốn tồn tại suốt hơn 60 năm qua thực sự có rất nhiều lỗi và cần phải được cải tổ càng nhanh càng tốt vì nó không quan tâm đúng mức đến tầm nhìn cũng như nhu cầu của các nước đang phát triển.
Phát biểu trong phiên bế mạc cuộc họp, Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ D'Escoto Brockmann nói: “Thế giới đã có cơ hội lắng nghe tiếng nói của 192 nước thành viên Đại Hội đồng LHQ. Cuộc họp tập trung bàn về khủng hoảng kinh tế-tài chính đang làm suy yếu kinh tế thế giới, bàn về việc cần thiết phải khẩn cấp triển khai các bước giải quyết vấn đề khó khăn và cải tổ các định chế của của chúng ta.”
“Chúng tôi đã đạt được sự đồng thuận thể hiện qua việc ban hành một văn kiện đầy tham vọng trong đó có đề cập đến sự hiểu biết chung về nguyên nhân cũng như tác động của cuộc khủng hoảng; tính cần thiết phải nhanh chóng tăng viện trợ phát triển chính thức (ODA) và đẩy nhanh tốc độ viện trợ; tính cần thiết phải giải quyết các món nợ và thúc đẩy tính thanh khoản của thị trường toàn cầu; tính cần thiết phải cải tổ hệ thống, kiến trúc hệ thống kinh tế-tài chính để quản lý và giám sát tốt hơn”-ông Brockmann nói.
“Quan trọng hơn hết là chúng tôi đã thống nhất về tiến trình cam kết tiếp tục giải quyết bài toán khủng hoảng trong đó có việc mời Đại Hội đồng LHQ thành lập một nhóm làm việc đặc biệt, không giới hạn số thành viên tham gia giám sát tất cả mọi vấn đề”. Ngài chủ tịch Đại Hội đồng LHQ còn kêu gọi “hành động hữu hiệu” để triển khai những cam kết này.
Mặc dù không có tính ràng buộc nhưng văn kiện nói trên đã phát đi “một thông điệp mạnh mẽ của tất cả các bên liên quan bao gồm tất cả các quốc gia giàu nghèo tới Hội nghị thượng đỉnh G8 sắp tới tại L’Aquila (Italy) và Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Pittsburg (Nga)”.
|