|
Một người Honduras biểu tình phản đối chính phủ lâm thời nằm trên đường trong một cuộc đụng độ với cảnh sát |
Người phát ngôn lực lượng cảnh sát Honduras German Rivera hôm 1.7 thông báo với báo giới có ít nhất 42 người đã bị bắt vì vi phạm lệnh giới nghiêm ban bố trên toàn bộ quốc gia Honduras, một phần của luật quân sự bắt đầu có hiệu lực từ đêm 28.6.
Theo Rivera, cảnh sát tại thủ đô Tegucigalpa đã bắt 39 người và cảnh sát tại Talanga thuộc phía đông bắc thủ đô bắt giữ 3 người.
Các phương tiện truyền thông trước đó đưa tin có ít nhất 270 bị bắt trên khắp cả nước vì liên quan đến những vụ xô xát sau cuộc đảo chính quân sự ngày 28.6 lật đổ Tổng thống Manuel Zelaya.
2 người đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ tại thủ đô với lực lượng an ninh Honduras nhằm phản đối chính phủ của Tổng thống lâm thời Roberto Micheletti, người đã nhậm chức vào chiều ngày 28.6 không lâu sau khi ông Zelaya bị quân đội bắt giữ và buộc phải lên máy bay sang Costa Rica.
Người phát ngôn cảnh sát Honduras cho biết Tòa án Công lý Tối cao và Đài phát thanh châu Mỹ tại thủ đô Tegucigalpa đã bị tấn công bằng lựu đạn nhưng may mắn thay những quả lựu đạn đó không phát nổ.
Trong ngày 1.7, hàng loạt các cuộc tuần hành ủng hộ và chống ông Zelaya đã diễn ra trên khắp quốc gia châu Mỹ. Tuy nhiên, không có cuộc tuần hành nào biến thành bạo động. Hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Zelaya đã đổ xuống đường và đụng độ với quân đội, cảnh sát khi lực lượng an ninh tìm cách vãn hồi trật tự.
Ngày 30.6, giới chức Honduras đã tuyên bố tái áp đặt luật quân sự. Theo đó, lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực từ 22h đêm trước tới 5h sáng hôm sau.
Trong diễn biến liên quan khác, ông Zelaya đã hoãn kế hoạch về nước vào ngày hôm nay (2.7), đợi hết thời gian 72 giờ mà Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) đưa ra tối hậu thư yêu cầu chính phủ lâm thời phải phục chức cho ông này. Bằng không, OAS sẽ loại trừ tư cách thành viên của Honduras tại tổ chức này.
192 nước thành viên Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã đồng loạt biểu quyết bác bỏ cuộc đảo chính và không công nhận bất cứ chính phủ nào của Honduras ngoại trừ chính phủ của ông Zelaya.
Bất chấp, chính phủ lâm thời Honduras tiếp tục từ chối nhượng bộ áp lực quốc tế và thề rằng Zelaya “không có chút cơ hội nào” trở lại cầm quyền. Tổng Thống lâm thời Honduras, Roberto Micheletti còn tuyên bố ông Zelaya “sẽ bị bắt ngay lập tức” nếu ông đặt chân lên lãnh thổ Honduras.
|