|
Tổng thống Honduras bị lật đổ Manuel Zelaya trả lời phỏng vấn của giới phóng viên sau khi trở về nước bất thành vào ngày 4.7 |
Nỗ lực hòa giải nhằm tháo gỡ khủng hoảng chính trị tại Honduras dự kiến sẽ bắt đầu diễn ra vào ngày mai (9.7), Tổng thống Costa Rica Oscar Arias cho biết.
Đích thân tổng thống Costa Rica sẽ dẫn đầu phái đoàn hòa giải cho các phe phái chính trị của Honduras.
Từ Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã ra thông báo sau cuộc gặp với Tổng thống Honduras bị phế truất Manuel Zelaya rằng ông Zelaya và lãnh đạo lâm thời của Honduras Roberto Micheletti đã nhất trí ngày giờ gặp nhau.
Honduras, quốc gia Trung Mỹ có khoảng 8 triệu dân, đã bị cô lập khỏi cộng đồng quốc tế từ sau vụ đảo chính quân sự ngày 28.6 lật đổ ông Zelaya.
Quốc hội Honduras đã bầu ông Micheletti làm tổng thống lâm thời nhưng chính quyền của ông này không được các nước công nhận.
Trong khi đó, ông Zelaya đang phải sống lưu vong tại Costa Rica. Ông này đã tìm cách trở về nước vào ngày 4.7 nhưng bất thành vì giới chức đang cầm quyền của Honduras đã phong tỏa sân bay thủ đô Tegucigalpa khiến máy bay của ông Zelaya không thể hạ cánh.
Tổng thống Costa Rica đã đề nghị giúp đỡ bằng cách thành lập một ủy ban hòa giải bao gồm đại diện đến từ 4-5 nước và chọn địa điểm gặp gỡ đàm phán tại nhà riêng của ông này.
Ông Arias là người đã từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 1987 vì có công kiến thiết công cuộc đàm phán chấm dứt các cuộc nội chiến tại khu vực Trung Mỹ vào những năm 1980.
Vì vậy, có nhiều hi vọng dưới tài hòa giải của ông Arias, hai phe phái chính trị đối lập của Honduras có thể tìm được một tiếng nói chung sau khi kết thúc 2 ngày gặp gỡ (9-10.7). Tuy nhiên, giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Honduras vẫn là một câu hỏi lớn vì cả hai bên, tổng thống bị lật đổ và tổng thống lâm thời, vẫn giữ nguyên lập trường của mình.
Ông Zelaya nói với đài phát thanh Honduras rằng việc phục chức cho ông này là chuyện “không thể đàm phán”. “Đó không phải là vấn đề đàm phán mà đó là một kế hoạch ra đi của những thủ lĩnh đảo chính”.
Ngược lại, ông Micheletti lại nói: “Chúng tôi để ngỏ khả năng đối thoại. Chúng tôi muốn được lắng nghe”.
Ngoại trưởng Mỹ Clinton cho biết “Mỹ ủng hộ tái lập trật tự hiến pháp, dân chủ tại Honduras” và kêu gọi ông Zelaya nên cố gắng giải quyết vấn đề thông qua đối thoại thay vì tìm cách trở về và đi theo một hướng đối đầu mới có thể gây tổn thất về người.
Liên Hiệp Quốc và Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã thống nhất thông qua nghị quyết ủng hộ sự trở về của ông Zelaya. Nhiều quốc gia đã rút đại sứ của mình khỏi Honduras. Mỹ và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ngưng một số dự án viện trợ.
Interpol từ chối yêu cầu của chính phủ lâm thời Honduras đòi phát lệnh truy nã ông Zelaya.
Lực lượng ủng hộ ông Zelaya hôm qua (7.7) vẫn tiếp tục biểu tình tại thủ đô Tegucigalpa của Honduras.
|