Ngày 8.7, Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) và Diễn đàn các nền kinh tế lớn (MEF), gọi tắt là Hội nghị 8+5, khai mạc tại thành phố L’Aquila của Italia.
Mỹ mong muốn Hội nghị thượng đỉnh G8 sẽ cam kết dành 15 tỷ USD trong vòng vài năm tới để hỗ trợ phát triển nông nghiệp ở các nước nghèo nhằm đối phó với tình trạng mất an ninh về lương thực.
Một dự thảo tuyên bố của Mỹ cho biết Washington sẵn sàng huy động từ 3-4 tỷ USD và mong muốn các đối tác khác trong G8 cũng thể hiện những cam kết để đạt được mục tiêu 15 tỷ USD và khoản tiền này sẽ được dành để hỗ trợ các nước có thu nhập thấp thực hiện các chiến lược phát triển nông nghiệp.
Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng hoan nghênh sáng kiến mới này và cho biết EU sẽ cam kết dành 1 tỷ USD hàng năm cho vấn đề này.
Một chuyển biến khác do Mỹ khởi xướng trong cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu là việc chuyển từ cung cấp viện trợ khẩn cấp sang giúp đỡ các nước nghèo sản xuất được nhiều lương thực hơn. LHQ cho biết số người bị đói đã tăng nhanh trong vòng 2 năm qua và ước tính sẽ lên hơn 1 tỷ người vào năm nay.
Một chủ đề cũng được đánh giá là thách thức đối với Hội nghị thượng đỉnh G8 lần này là vấn đề đối phó với sự biến đổi khí hậu. EC sẽ thúc giục các nhà lãnh đạo G8 đưa ra cam kết rõ ràng tại hội nghị để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo bản thảo của tuyên bố chung do một quan chức giấu tên tiết lộ, các nhà lãnh đạo G8 đã bỏ cam kết mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050 so với mức của năm 1990. Thay vào đó, G8 chỉ đề cập đến mục tiêu cắt giảm khí thải chung chung.
. Theo SGGP/AFP, Reuters |