Các nhà lãnh đạo thuộc nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8) và 5 nước đang phát triển chủ chốt trên thế giới (G5) hôm 9.7 đã thống nhất chủ trương cải tổ các định chế tài chính, thúc đẩy phát triển, kết thúc vòng đàm phán thương mại Doha và khống chế mức độ tăng lên của nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2oC so với nền nhiệt chung của năm 1900.
|
Các nhà lãnh đạo của G8 gồm các nước Anh, Pháp, Canada, Italy, Đức, Nhật Bản, Nga và Mỹ cùng với các nhà lãnh đạo của G5 gồm các nước Brazil, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Mexico và Nam Phi đã gặp nhau tại L’Aquila (Italy) ngày 9.7 để hội đàm về các vần đề kinh tế, thay đổi khí hậu, thương mại và nhiều vấn đề quốc tế khác. Ảnh: Xinhua |
Tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh G8 + G5 cho biết các nhà lãnh đạo đã bàn về chương trình nghị sự phục hồi kinh tế toàn cầu theo hướng giữ tốc độ tăng trưởng bền vững và cân bằng.
Tất cả cũng cam kết “thúc đẩy môi trường vĩ mô hậu thuẫn cho chính sách tái khởi động một cách cân bằng chương trình kích cầu cá nhân nội địa để tạo động lực thúc đẩy cầu xã hội sống dậy”.
Tuy nhiên, trong quá trình thúc đẩy sự hồi phục của kinh tế thế giới, cũng cần phải chuẩn bị các chiến lược rút lui khỏi những giải pháp mang tính chính sách đặc biệt nhằm đối phó với khủng hoảng. Chiến lược rút lui đó sẽ được áp dụng sau khi kinh tế thế giới đã chắc chắn hồi phục để đảm bảo sự bền vững tài chính tiền tệ trong trung hạn.
“Chúng tôi sẽ hạn chế phá giá đồng tiền của nước mình để cạnh tranh và sẽ tăng cường xây dựng một hệ thống tiền tệ thế giới vận hành tốt, ổn định”-tuyên bố chung nói.
Về vấn đề tổn thất xã hội cao của cuộc khủng hoảng xét ở khía cạnh đói nghèo và thất nghiệp, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ giải quyết với tiêu chí ưu tiên hàng đầu vào con người.
Các nhà lãnh đạo cũng hứa sẽ tiếp tục cải tổ các qui định và sự giám sát hệ thống tài chính nhằm ngăn ngừa các chu kỳ phát triển bong bóng đồng thời đảm bảo tính minh bạch, gắn kết và đúng đắn của các hoạt động tài chính, kinh tế thế giới.
Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn, tầm hoạt động, sự vận hành của các định chế tài chính thế giới (IFI) sẽ tiếp tục được cải tổ nhằm tăng cường tính hiệu quả, tính hợp pháp, tính liên quan, tính đáng tin và tinh thần dám chịu trách nhiệm của các tổ chức này. Các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi trong đó có những nền kinh tế nghèo nhất thế giới sẽ có tiếng nói và sự đại diện lớn hơn trong các IFI.
Các nhà lãnh đạo đã thống nhất mục tiêu sẽ kết thúc vòng đàm phán thương mại Doha vào năm 2010 với các kết quả cân bằng nhưng tham vọng. Các nhà lãnh đạo của 2 nhóm G8 và G5 đã cam kết sẽ chỉ đạo cho các bộ trưởng thương mại của nước mình nhóm họp trước khi hội nghị G20 gồm các nước công nghiệp và phát triển họp lần tới tại Pittsburgh (Nga) vào tháng 9. Mục đích của việc này là nhằm lấp đầy càng sớm càng tốt những hố ngăn cách còn lại trong đàm phán.
Các phòng đàm phán phát triển Doha được khởi xướng vào năm 2001 nhằm giúp các nước nghèo thông qua khía cạnh thương mại. Lẽ ra nó đã hoàn tất cách đây nhiều năm nhưng vài lần bị hoãn lại vì còn tồn tại nhiều tranh cãi giữa các nước phát triển và đang phát triển, chủ yếu là giữa Mỹ và Ấn Độ về vấn đề thuế quan và bao cấp nông nghiệp.
Về phát triển, các nhà lãnh đạo cam kết xây dựng những chính sách trách nhiệm đối với phát triển bền vững, cùng chung tay đóng góp tiến tới Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) thông qua tăng trưởng kinh tế, ủng hộ hòa bình và ổn định an ninh, đặc biệt là tại châu Phi.
Tất cả cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực cho phát triển đồng thời đảm bảo việc triển khai và giám sát đúng đắn các chương trình viện trợ cho phát triển thương mại, các dự án ODA.
Tăng cường đối thoại và hợp tác với các nước thu nhập thấp trên cơ sở các nguyên tắc phát triển chủ chốt, củng cố chủ nghĩa đa phương, tránh bảo hộ mậu dịch cũng được các nhà lãnh đạo cam kết thực hiện.
Mặc dù khuyến khích và tạo điều kiện cho phát triển nhưng các nước cũng cam kết tăng cường bảo vệ môi trường thông qua chuyển giao công nghệ sạch, ít thải khí carbon, hạn chế mức độ thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất lẫn tiêu dùng. Nhờ đó, cải thiện an ninh năng lượng.
Mục tiêu cụ thể đặt ra là làm sao giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2oC so với nền nhiệt của năm 1900 vì quá mức đó, hệ thống khí hậu toàn cầu sẽ trở nên không bền vững một cách nguy hiểm.
|