|
Đông đảo người dân ủng hộ Tổng thống bị phế truất Manuel Zelaya đổ về tòa nhà Quốc hội tại thủ đô Tegucigalpa ngày 15.7.2009 để biểu tình phản đối chính phủ lâm thời. Ảnh: Reuters |
Chính phủ lâm thời Honduras vừa mới tái áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm tại nước này sau khi cáo buộc lực lượng đối lập tìm cách gây rối.
Lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ nửa đêm hôm trước cho đến 5h sáng hôm sau.
Lực lượng ủng hộ Tổng thống bị phế truất Manuel Zelaya trước đó đã tuyên bố sẽ tổ chức biểu tình và chặn các ngả đường trên khắp cả nước để yêu cầu phục chức cho ông này.
Ông Zelaya, người bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự hồi tháng trước và hiện đang sống lưu vong ở Costa Rica, được đông đảo dư luận quốc tế lẫn trong nước công nhận, ủng hộ trong khi Tổng thống lâm thời Roberto Micheletti nhận được sự hậu thuẫn của quân đội và Quốc hội Honduras.
Tổng thống bị phế truất nói những người ủng hộ ông có “quyền được nổi dậy”.
Chính phủ lâm thời Honduras đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm vào cuối tuần rồi tức 2 tuần sau đảo chính.
Trong một bài phát biểu mới nhất vào ngày 15.7, ông Micheletti đã tuyên bố sẵn sàng từ chức tổng thống lâm thời vì “hòa bình và ổn định” của quốc gia với điều kiện ông Zelaya không tìm cách trở về nước.
Ông Zelaya bị buộc phải ra đi giữa lúc Honduras đang xảy ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Quốc hội và tòa án khi đó tranh cãi xung quanh kế hoạch của tổng thống tổ chức trưng cầu dân ý về việc sửa đổi hiến pháp cho phép tổng thống được ứng cử hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Phe đối lập chỉ trích động thái của ông Zelaya xuất phát từ động cơ tư lợi, tạo điều kiện để ông này tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống vào tháng 11.
Tổng thống Costa Rica Oscar Arias đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa 2 phe đối lập của Honduras. Ông Arias kêu gọi 2 bên tham gia vào vòng thương lượng mới vào ngày 18.7.
Vòng đàm phán trước đã thất bại nhưng nhà trung gian hòa giải đã từng đạt giải Nobel hòa bình vẫn thúc giục các bên bình tĩnh.
|