Trong vài tháng gần đây, người ta nhận thấy xuất hiện nhiều thông tin dự đoán trái chiều nhau về sự phục hồi kinh tế toàn cầu nói chung lẫn các nền kinh tế lớn thế giới nói riêng. Các mức tăng trưởng kinh tế dự báo cũng liên tục được điều chỉnh giảm.
Những điều trên một mặt cho thấy mức ảnh hưởng to lớn của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đối với cả các nước giàu có lẫn nước nghèo trên thế giới. Mặt khác, nó cũng thể hiện khả năng dự báo của các nhà kinh tế dường như “đuối sức” với tình hình thay đổi nhanh chóng và phức tạp của thực tế. Trong bối cảnh đó, cần phải nhìn nhận như thế nào về các dự báo?
Loạn các mô hình dự báo với liên tục điều chỉnh mức tăng trưởng
Trung tuần tháng 6 vừa qua, trước khi Hội nghị Bộ trưởng G7 và Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G8 khai mạc tại Italy vào đầu tháng 7, hai tổ chức tài chính có uy tín nhất nhì thế giới là Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra hai kịch bản phát triển kinh tế thế giới trong tương lai trái ngược nhau. Trong khi IMF tỏ lạc quan về sự phục hồi kinh tế theo hình chữ V thì WB lại thận trọng nhận định tăng trưởng kinh tế năm nay chưa có gì sáng sủa, tức theo mô hình chữ U. Một nhận định khác mang tính trung dung của mạng tin phân tích và tư vấn kinh tế́ (EIU) thuộc Tạp chí Nhà kinh tế (Anh) thì cho rằng kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là nơi khởi nguồn khủng hoảng hiện nay-nói riêng sẽ phục hồi và diễn biến theo mô hình chữ W.
Theo IMF, nền kinh tế thế giới đang dần bước vào giai đoạn phục hồi và có thể đạt mức tăng trưởng 2,5% trong năm 2010, cao hơn 0,6% con số dự báo 1,9% của cơ quan này đưa ra hồi tháng 4/2009 vừa qua. Sở dĩ nền kinh tế thế giới bắt đầu thoát ra khỏi vòng xoáy của "bão" tài chính được coi là lớn nhất trong lịch sử kể từ cuộc Chiến tranh thế giới thứ II là do các điều kiện tài chính được cải thiện nhanh hơn dự báo, chủ yếu nhờ có sự can thiệp của các chính phủ và tỉ lệ suy giảm trong hoạt động kinh tế cũng dịu bớt. Có thể nói đây là mô hình dự báo phục hồi kinh tế theo hình chữ V.
Tuy nhiên, theo báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" (WEO) ngày 8.7 của IMF, sự hồi phục này sẽ diễn ra một cách chậm chạp và khó khăn do các hệ thống tài chính vẫn còn yếu, các chính sách hỗ trợ sẽ giảm dần và các ngân hàng vẫn bị ảnh hưởng bởi những khoản "nợ xấu". Vì vậy, các quốc gia không được chủ quan do vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong hệ thống tài chính.
Ngược với sự tin tưởng của IMF rằng gói kích thích tăng trưởng của các chính phủ ít nhiều đã phát huy tác dụng, bản báo cáo cập nhật ngày 22.6 của WB dự báo kinh tế toàn cầu trong cả năm 2009 sẽ có mức tăng không vượt quá 3%, suy giảm trầm trọng hơn so với dự báo của chính tổ chức này hồi tháng 3.
Mới đây, ngày 9.7, Chủ tịch WB Robert Zoellick miêu tả sự suy thoái kinh tế toàn cầu xuất hiện như những đợt sóng dữ và lên tiếng kêu gọi các nước nên tập trung sửa chữa hệ thống tài chính yếu kém. Trong đợt sóng thứ nhất, khủng hoảng tài chính đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Mỹ và châu Âu. Cơn sóng dữ thứ hai tràn vào các nước có nền kinh tế đang phát triển khiến các nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường này, ảnh hưởng tiêu cực đến người nghèo và tỷ lệ thất nghiệp. Hiện nay, cơn sóng thứ ba đang làm suy yếu các tổ chức tài chính của tất cả các nước. Hậu quả của nó có thể phát sinh đợt sóng thứ tư gây tàn phá nghiêm trọng thêm các tổ chức tài chính của Mỹ và châu Âu. Chính sách bảo vệ các ngân hàng trong nước mà nhiều chính phủ thực hiện đã làm cho hệ thống tài chính quốc tế bị phân tách. Những biện pháp đó được xem như "vòng cương tỏa" sự phát triển của thị trường vốn quốc tế và cuối cùng có thể sẽ tác động làm giảm tăng trưởng kinh tế. Như vậy, theo WB, quá trình hồi phục kinh tế sẽ còn kéo dài và chậm chạp tức theo kiểu chữ U. Có vẻ như kinh tế thế giới vẫn còn ì ạch, chưa thoát ra khỏi đáy khủng hoảng.
Dự báo của EIU mang đặc điểm vừa giống với IMF vừa tương tự với WB. EIU nhận định nền kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới đã xuất hiện các dấu hiệu cho thấy giai đoạn suy giảm tồi tệ nhất của kinh tế toàn cầu đã qua. Các chỉ số kinh tế như sản xuất công nghiệp đã bắt đầu cải thiện ở nhiều nước, tốc độ suy giảm đang chậm lại, trong một số trường hợp đã tăng trưởng. Các cuộc thăm dò cho thấy lòng tin của người dân đang tăng lên. Lĩnh vực tài chính dù vẫn yếu nhưng đã ổn định hơn so với giai đoạn đỉnh điểm cuối năm 2008. Các gói kích thích tài chính mạnh mẽ được nhiều nước đưa ra sẽ bắt đầu phát huy tác dụng thúc đẩy nền kinh tế.
Tuy nhiên, các nguy cơ đối với kinh tế thế giới vẫn còn rất lớn. Đáng lo ngại nhất là các gói kích thích kinh tế không đủ hiệu quả để khởi động và hỗ trợ một sự tự phục hồi. Do điều kiện tài chính của chính phủ các nước đã xấu đi nhiều nên khó có thể đưa ra những gói hỗ trợ tiếp theo nếu cần và ngày càng nhiều nước buộc phải thắt chặt chính sách tài chính.
Nói cách khác, các gói kích thích tài chính đã được đưa ra dường như chỉ thúc đẩy tăng trưởng tạm thời. Kinh tế toàn cầu sẽ có nguy cơ quay trở lại suy giảm khi tác dụng của các gói kích thích này giảm dần. Diễn biến như thế của nền kinh tế là đi theo mô hình chữ W.
Vì sao các nhà kinh tế yếu trong dự báo?
Đầu tiên phải nói rằng dự đoán tương lai là điều không hề dễ dàng. Hơn nữa, dự báo trong bối cảnh có quá nhiều biến số của nền kinh tế thay đổi liên tục lại càng khó khăn gấp bội.
Nhà kinh tế học James Stock của trường đại học Harvard danh tiếng thừa nhận: “Thật vô cùng khó khăn đối với các nhà dự báo kinh tế trong thời điểm hiện nay”. Giáo sư Philip Joyce giảng dạy bộ môn chính sách và quản lý hành chính công của trường đại học George Washington, một trường đại học nổi tiếng khác của Mỹ, nói: “Các mô hình (dự báo) của chúng ta ngày nay thực sự không được thiết kế dành cho việc dự báo những thay đổi lớn”. Theo Joyce, hiện nay, các con số dự báo trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường tỏ ra hơi đáng tin cậy trong vòng 1-2 năm, ít tin cậy hơn trong 5 năm tới và chẳng còn một chút giá trị nào trong vòng 10 năm. “Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, ngay đến các con số kế hoạch cho một thời hạn ngắn hơn cũng không được tốt cho lắm vì có quá nhiều thành tố trong chúng dựa trên giả định nền kinh tế sẽ hoạt động hơi giống thực tế lúc dự báo. Ngược lại, kinh tế hiện đã khác xa với giả định”.
Vấn đề mấu chốt ở chỗ các mô hình kinh tế hay hàng loạt các phương trình mô tả các thành phần khác nhau của nền kinh tế khớp với nhau như thế nào phụ thuộc vào các dữ liệu lịch sử. Nếu muốn biết tỉ lệ thất nghiệp trong 6 tháng tới ở mức nào, người ta phải bắt đầu từ mức của ngày hôm nay. Nếu nền kinh tế không ổn định và quan hệ cũ giữa các thành tố cấu thành nền kinh tế đó không giống như trước kia, mô hình dự báo sẽ thất bại.
Stock cho biết mặc dù trong vài năm gần đây, đã có nhiều tiến bộ lớn trong công tác dự báo kinh tế nhưng các nhà kinh tế vẫn không đạt được kết quả khả quan hơn bao nhiêu so với trước vì bản thân nền kinh tế đã trở nên phức tạp hơn.
Tiếp nhận và đánh giá các dự báo như thế nào?
Kinh tế thế giới trong thời gian gần đây thi nhau thăng giảm theo các dự báo tăng trưởng tốt xấu khác nhau. Có lúc sắc đỏ tràn ngập trên các thị trường chứng khoán sau khi WB đưa ra báo cáo tiêu cực nhưng sau đó lại phủ một màu xanh áp đảo với thông tin dự báo tích cực của OECD, IMF. Dẫu rằng lòng tin đã có tín hiệu phục hồi lạc quan nhưng không ít nhà đầu tư vẫn phập phồng lo ngại.
Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh phức tạp này, cần phải nhìn nhận các dự báo như thế nào?
Một cách để giảm bớt sự thiếu chính xác của các dự báo là mở rộng tầm khảo sát. Dự báo của một nhóm càng đông các chuyên gia kinh tế uy tín, của một nhóm các tổ chức lớn thể hiện ý kiến thống nhất được coi là có giá trị tin cậy nhiều hơn của một cá nhân hay của một tổ chức đơn lẻ.
Cách thứ hai có thể giúp chúng ta sử dụng các thông tin dự báo kinh tế tốt hơn là phải dứt khoát khẳng định rằng bất kỳ một dự báo nào cũng có hạn chế riêng của nó. Không thể tìm thấy một nhà kinh tế nào hay một tổ chức kinh tế nào công bố công trình nghiên cứu hay đưa ra báo cáo mà không đề cập đến sai số của dữ liệu. Tuy nhiên, ta thường có thói quen là quên đề cập đến điều này khi nói về các biến số kinh tế trong các cuộc trao đổi rộng rãi trước công chúng.
Robert Eisenbeis, nhà cựu nghiên cứu kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), khuyên: “Khi nói về con số dự báo, không nên đề cập theo kiểu GDP năm nay sẽ là 0,6% mà là trên dưới 0,6%. Điều liên quan là biên độ dao động của con số đó là bao nhiêu”.
Gregory Mankiw, nhà kinh tế học của Harvard đã từng làm chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế cho cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush nói: “Bạn cần phải luôn luôn nhớ tới tính chất dễ thay đổi vốn có của kinh tế”.
Chú ý đến khía cạnh còn mơ hồ, không chính xác của bất kỳ một dự báo nào sẽ giúp ta đánh giá liệu một sáng kiến nào đó trong chính sách công, chẳng hạn như một gói kích cầu khổng lồ có làm thay đổi được cục diện của vấn đề hay không, có đem lại hiệu quả thực sự hay không.
Nói tóm lại, trong bối cảnh kinh tế còn suy thoái, biến động liên tục và phức tạp hiện nay, cần phải có một cái nhìn rộng và thực tế để hiểu rõ bản chất không hoàn hảo của mỗi thông tin dự báo; từ đó chủ động xây dựng phương án phát triển kinh doanh thích hợp.
|