|
Tổng thống Costa Rica Oscar Arias (đứng thứ hai bên trái) cùng với ông Carlos Lopez (trái), đại diện của chính phủ đương nhiệm và hai đại diện của Tổng thống bị lật đổ Manuel Zelaya (phải) sau cuộc thương lượng tại San Jose hôm 19.7. |
Nguy cơ quay trở lại thời kỳ nội chiến như đã từng xảy ra trong quá khứ đang lan rộng tại Honduras sau khi các cuộc thương lượng tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị trong nước vẫn bế tắc. Giữa lúc này, Tổng thống bị lật đổ Manuel Zelaya lại tuyên bố sẽ trở về nước vào tuần tới.
Hai ngày đàm phán căng thẳng tại Costa Rica do Tổng thống nước chủ nhà Oscar Arias đứng ra làm trung gian hòa giải đã kết thúc hôm 19.7 mà không đi đến thỏa thuận nào do lập trường không thỏa hiệp giữa hai bên.
Tổng thống Arias cho biết ông sẽ giành thời gian trong 72 giờ tới để cố gắng thuyết phục Tổng thống đương nhiệm Honduras Roberto Micheletti chấp nhận kế hoạch của ông là để cho Tổng thống bị lật đổ Manuel Zelaya tiếp tục đảm nhiệm chức vụ tổng thống trong thời gian vài tháng còn lại của nhiệm kì.
Phái đoàn đàm phán của ông Micheletti đã bác bỏ đề xuất và cho rằng điều khoản kêu gọi phục chức cho ông Zelaya là không thể chấp nhận được.
Tổng thống Arias đã kêu gọi hai bên nối lại đàm phán vào ngày 22.7 tới và đang tìm kiếm một giải pháp nhằm tránh gây ra một cuộc xung đột bạo lực tại Honduras, nơi có đông người sở hữu vũ khí.
“Rất nhiều người dân Honduras có vũ khí. Điều gì sẽ xảy ra nếu một trong số họ nã súng vào binh sĩ hay một binh sĩ nã súng vào một thường dân có vũ khí?”. Ông Arias cho rằng nội chiến là một trong những khả năng có thể sẽ ra.
Các đại diện của Tổng thống đương nhiệm Micheletti chấp nhận lời kêu gọi của ông Arias là cân nhắc lại trong vòng 72 giờ. Tuy nhiên phát ngôn viên của Tổng thống bị lật đổ Zelaya đổ lỗi cho chính quyền sau đảo chính ở Honduras là chính quyền “không khoan nhượng” và đe dọa sẽ không quay trở lại đàm phán.
Phái đoàn đàm phán của ông Zelaya tuyên bố việc quay trở về của ông Zelaya là mối quan tâm hàng đầu. Tất cả mọi vấn đề thảo luận còn lại chỉ là hàng thứ yếu. trong khi đó phái đoàn của Tổng thống đương nhiệm Micheletti cũng tuyên bố rõ lập trường của mình là không bao giờ chấp nhận phục hồi chức vị cho ông Zelaya.
Các nhà phân tích cho rằng khả năng hai bên đi tới một thỏa thuận trong một khoảng thời gian ngắn là điều khó đạt được.
Sau khi các cuộc đàm phán thất bại, từ Nicaragua, ông Zelaya cho biết quay trở về Honduras để đấu tranh đòi phục chức vẫn sẽ là lựa chọn hiện nay của ông. Ông đang lên kế hoạch trở về vào tuần tới.
Trong khi đó tại Honduras, những người ủng hộ ông Zelaya vẫn tiếp tục biểu tình chống chính phủ đương nhiệm. Họ ngăn chặn những tuyến đường chính và tổ chức tụ họp tại 8 trung tâm có đông dân cư.
Bên cạnh nỗi lo sợ nội chiến ở Honduras, dư luận cũng đang lo ngại về nguy cơ sẽ xảy ra nhiều âm mưu đảo chính khác nếu chính quyền quân sự được củng cố trong khu vực.
|