|
Ông Gholam Hossein Mohseni Ejeie, người bị tổng thống cách chức hôm 26.7. |
Iran đang rơi vào một cuộc bất ổn chính trị mới sau khi hôm qua (26.7) Tổng thống mới tái cử Iran Mahmoud Ahmadinejad cách chức Bộ trưởng tình báo & an ninh Gholamhossein Mohseni Ejei, trong khi đó Bộ trưởng văn hóa Mohammad Hossein Saffar-Harandi cũng từ chức.
Không có lý do chính thức nào được đưa ra về việc sa thải Bộ trưởng tình báo Harandi. Tuy nhiên theo hãng thông tấn Mehr của Iran, ông Harandi bị cách chức là do có mâu thuẫn với Tổng thống theo đường lối cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad xung quanh việc bổ nhiệm ông Esfandiar Rahim Mashaie làm phó tổng thống trong chính phủ mới. Giữa ông và tổng thống đã xảy ra cuộc đấu khẩu trong cuộc họp nội các tuần trước xung quanh việc bổ nhiệm trên.
Mehr đưa tin có 4 bộ trưởng đã bị tổng thống sa thải trong ngày 26.7, gồm hai vị bộ trưởng trên cùng với Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Lao động. Tuy nhiên văn phòng tổng thống Ahmadinejad xác nhận chỉ có một mình ông Ejeie bị sa thải.
Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, người ủng hộ kết quả cuộc bầu cử nghiêng về Tổng thống Ahmadinejad tổ chức hôm 12.6 vừa qua, tuần trước đã ra lệnh sa thải ông Mashaie trong vai trò phó tổng thống Iran do phát biểu trước đó của ông nói rằng Iran là bạn của tất cả mọi người, kể cả đó là người dân của nước kẻ thù Israel.
Lâu nay Iran không công nhận Israel. Tổng thống Ahmadinejad vẫn thường có những phát biểu cứng rắn nhằm vào Israel, trong đó có dự báo rằng nhà nước Israel sắp đến ngày tàn.
Mặc dù đã hết sức bảo vệ cho ông Mashaie nhưng trước sức ép từ nhiều phía đến ngày 25.7 vừa qua Tổng thống Ahmadinejad đã phải quyết định sa thải ông Mashaie, người có quan hệ họ hàng với tổng thống. Tuy nhiên, sau khi bị cách chức phó tổng thống, ông Mashie được bổ nhiệm là Tham mưu trưởng. Tổng thống cho rằng phát biểu của ông Mashaie đã bị “bóp méo”.
Tuy Tổng thống Ahmadinejad giành được thắng lợi nhiệm kì hai tổng thống kéo dài 4 năm, nhưng cuộc bầu cử đã dẫn đến bất ổn lớn nhất trong nước kể từ sau cuộc cách mạng hồi năm 1979, làm ít nhất 20 người thiệt mạng đồng thời gây ra sự chia rẽ sâu sắc.
Các nhà lãnh đạo đối lập cho rằng có gian lận trong bầu cử và tuyên bố sẽ không công nhận chính phủ mới.
Hai nhà lãnh đạo đối lập chính Mir Hossein Mousavi và Mehdi Karroubi hôm 26.7 đã xin phép Bộ Nội vụ tổ chức một buổi lễ tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống chính phủ vừa qua, đẩy Tổng thống Ahmadinejad vào một thách thức mới.
|