|
Theo tuyên bố của liên minh Mặt trận cánh tả, nhà tổ chức cuộc biểu tình, có khoảng 40.000 người tham gia xuống đường. |
Ngày 30.9, hàng nghìn người biểu tình Pháp tuần hành tại thủ đô Paris của nước này để phản đối Hiệp ước tài chính châu Âu, văn kiện có nội dung siết chặt kỷ luật ngân sách đối với những nước ký kết hiệp ước này nhằm chặn đứng cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Cuộc tuần hành do liên minh Mặt trận cánh tả tổ chức, thu hút sự tham gia của nhiều thành viên công đoàn, những người ủng hộ cánh cực tả và những người phản đối Hiệp ước tài chính châu Âu.
Sự kiện xuống đường trên diễn ra 2 ngày trước khi hạ viện Pháp bắt đầu bỏ phiếu quyết định việc phê chuẩn Hiệp ước tài chính châu Âu. Tổng thống Pháp Francois Hollande ủng hộ văn kiện này và nhiều khả năng Hiệp ước tài chính châu Âu sẽ được lưỡng viện Pháp thông qua.
Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu cũng để lộ những rạn nứt bên trong liên minh cầm quyền của ông Hollande. Các đối tác cánh cực tả và đảng Xanh sẽ bỏ phiếu chống Hiệp ước tài chính châu Âu, làm gia tăng thách thức đối với đảng Xã hội cầm quyền ngày càng có tỉ lệ ủng hộ giảm thấp. Nếu ông Hollande dựa vào phe đối lập để thông qua Hiệp ước tài chính châu Âu, rạn nứt nội bộ liên minh cầm quyền sẽ càng sâu sắc hơn.
Cuộc biểu tình tại Pháp là diễn biến mới nhất trong một loạt các cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp miền Nam châu Âu tuần qua. Hàng chục nghìn người tại Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp và Bồ Đào Nha đã xuống đường bày tỏ thái độ giận dữ đối với những chính sách thắt lưng buộc bụng khắc khổ do chính phủ các nước này áp dụng.
Hiệp ước tài chính châu Âu được soạn thảo theo sáng kiến của Đức và Pháp. Theo đó, thâm hụt ngân sách của một nước ký kết hiệp ước này không được phép vượt quá 3% GDP của nước đó.
Văn kiện này sẽ có hiệu lực vào ngày 1.1.2013 nếu được ít nhất 12 nước thành viên EU phê chuẩn.
Pháp đặt mục tiêu tiết kiệm 30 tỉ euro chi ngân sách năm 2013, chủ yếu thông qua biện pháp tăng thuế đối với doanh nghiệp lớn và người giàu, tránh những biện pháp chi tiêu khắc khổ đau đớn đang được áp dụng tại các nước châu Âu khác.
Tuy nhiên, nỗ lực trên không giúp ông Hollande giữ được tỉ lệ ủng hộ cao như khi mới đắc cử. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận hồi tuần trước cho thấy, tỉ lệ ủng hộ tổng thống Pháp đã rớt xuống mức thấp kỉ lục 43%.
|