Ngày 1.10, cuộc đàm phán nhằm giải ngân gói cứu trợ mới cho Hy Lạp dường như lâm vào bế tắc sau khi các nhà cho vay quốc tế không đồng ý với đề nghị cắt giảm 2 tỉ euro chi tiêu công của Athens.
|
Biểu tình bên ngoài trụ sở bộ Tài chính tại thủ đô Athens phản đối cắt giảm thêm chi tiêu công. Ảnh: Getty Images. |
Bộ ba cho vay quốc tế - Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) – yêu cầu Hy Lạp phải tiết kiệm 13,5 tỉ euro nếu muốn được vay giải cứu.
Athens đề nghị cắt giảm ngân sách hoạt động của các bộ đồng thời lên kế hoạch tinh giản 15.000 công chức vào năm 2014. Bộ 3 EU, ECB và IMF thẳng thừng phản bác đề nghị này với lý do không khả thi.
Thay vào đó, bộ ba yêu cầu Athens phải cắt giảm thêm lương và trợ cấp hưu trí – một điều kiện mà Bộ trưởng Hy Lạp Yiannis Stournaras liên tục nhắc đi nhắc lại rằng sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Hy Lạp sau 6 năm liên tục khủng hoảng nợ công.
Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras đã gửi một loạt yêu cầu giúp đỡ nước này tới các đối tác châu Âu.
Những đồn đoán về sự chia rẽ ngày càng lớn giữa các nhà cho vay về cách thức giải quyết “vấn đề Hy Lạp” càng làm cho bầu không khí thêm ngột ngạt. EU và IMF đang bất đồng về những điều kiện cho vay đối với khoản giải ngân trị giá 31,5 tỉ euro sống còn đối với Hy Lạp lúc này.
Tuần trước, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde phát biểu, cần phải giải quyết vấn đề nợ công Hy Lạp thông qua giải pháp tiếp tục gây sức ép buộc nước này phải tái cấu trúc khoản nợ khổng lồ của mình. Bà Lagarde nhắc đến điều mà nhiều người tin rằng sau 6 tháng bán bớt tài sản công, khối nợ của Athens vẫn chưa ổn định và chỉ có thể kiểm soát được cũng như đạt được mục tiêu chiếm 120% GDP vào năm 2020 nếu Hy Lạp tái cấu trúc khu vực công.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đang dẫn sau trong chiến dịch vận động trước thềm cuộc tổng tuyển cử tại Đức vào năm sau, cho rằng có rất ít người Đức sẵn sàng chấp nhận tổn thất thêm để cứu nền kinh tế Hy Lạp.
Một quan chức Hy Lạp phát biểu: “Chúng tôi đang đối phó không những với những bất đồng giữa chúng tôi (trong nội bộ 3 đảng liên minh cầm quyền Hy Lạp) mà còn trong nội bộ 3 nhà cho vay quốc tế”.
Trong lúc này, số người thất nghiệp khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên tới mức kỉ lục 18,2 triệu người. Tỉ lệ thất nghiệp Eurozone hồi tháng 8 vừa qua là 11,4%, không đổi so với tháng 7 và cao hơn con số 11,3% của tháng 6.
Tỉ lệ thất nghiệp toàn EU hiện ở mức 10,5% với 25,4 triệu người không có việc làm. Tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên đặc biệt cao: 22,8% ở Eurozone và 22,7% ở EU. Riêng tại Hy Lạp, tỉ lệ này lên tới 55,4%, cao nhất trong Eurozone. Tiếp đó là Tây Ban Nha với 52,9%.
Ngược lại, một số nước Bắc Âu vẫn duy trì được tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên ở mức 1 con số: Đức 8,1%, Hà Lan 9,4%, Áo 9,7%.
|