|
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ tại new York. |
Tờ the Guardian của Anh hôm 2.10 tiết lộ, Mỹ đã cảnh báo chính phủ các nước châu Âu chống lại những nỗ lực của Palestine nhằm trở thành thành viên đầy đủ của LHQ.
Theo nguồn tin, Mỹ cho rằng việc ủng hộ những nỗ lực của Palestine “cực kì phản tác dụng” và đe dọa gây ra “những hậu quả tiêu cực đáng kể” đối với Chính quyền Palestine, trong đó có các lệnh cấm vận tài chính. Nhà nước Palestine “chỉ có thể được công nhận thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp với Israel”.
Năm ngoái tại New York, khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố nỗ lực của ông trong việc đưa Palestine trở thành thành viên đầy đủ của LHQ đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận sôi nổi tại cuộc họp của Đại hội đồng LHQ. Nhưng đề nghị đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của Mỹ.
Tại cuộc họp Đại hội đồng LHQ năm nay, tuyên bố của Tổng thống Abbas muốn đưa Palestine trở thành một quốc gia quan sát viên của Đại hội đồng LHQ giống như Vatican, không còn nhận được sử hưởng ứng của các nước.
Các quan chức Palestine cáo buộc Mỹ cố tình gây sức ép lên các nước châu Âu nhằm phản đối nỗ lực của Palestine. Họ hy vọng có thể kêu gọi một cuộc bỏ phiếu vào cuối năm nay cũng như giành được đa số phiếu ủng hộ trong số 193 thành viên của LHQ. Mỹ không có quyền phủ quyết tại Đại hội đồng LHQ.
Cũng theo nguồn tin, Mỹ vẫn đang tiếp tục nỗ lực thúc đẩy giải pháp hai nhà nước nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, và kêu gọi hai bên “tránh những hành động khiêu khích có thể phá hoại lòng tin cũng như nỗ lực theo đuổi hòa bình”.
Các cuộc thảo luận của châu Âu về việc ủng hộ nỗ lực của Palestine dự kiến sẽ được tổ chức trong tuần này.
Một số nước châu Âu lo ngại Mỹ có thể ngừng hỗ trợ tài chính cho Chính quyền Palestine sau những nỗ lực mới của họ, điều này đồng nghĩa với việc EU sẽ phải điền vào khoản trống thiếu hụt tài chính này.
Năm ngoái, sau khi Palestine được công nhận trở thành thành viên UNESCO, Mỹ đã cắt đứt khoản đóng góp vào tổ chức này. Đóng góp của Mỹ vào nguồn ngân sách hàng năm của UNESCO chiếm tới 22%.
|