Một số ngân hàng lớn ở Trung Quốc cho biết, họ đã hủy kế hoạch tham gia cuộc họp thường niên cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ diễn ra tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản vào tuần tới.
Bên cạnh đó, các ngân hàng này cũng tuyên bố rút lui khỏi các sự kiện bên lề hội nghị lần này. Ngoài ra, một số ngân hàng Trung Quốc còn cho hay họ cũng sẽ không tham dự hội nghị công nghiệp-tài chính dự kiến diễn ra ở thành phố Osaka vào cuối tháng này.
Hầu hết các ngân hàng này đều không đưa ra lý do cho việc rút lui vào phút cuối. Tuy nhiên, có thể nhận thấy động thái này diễn ra vào thời điểm căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước đang leo thang. Trước đó, Bắc Kinh cũng hủy bỏ một số sự kiện có tính chất ngoại giao liên quan đến Tokyo, trong khi một số công ty Nhật Bản cho biết đơn hàng từ Trung Quốc có xu hướng giảm đi và hàng hóa từ Nhật Bản chịu sự kiểm tra chặt chẽ bất thường tại các cảng của Trung Quốc.
Một quan chức của chi nhánh ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc tại Tokyo thừa nhận quan hệ Nhật- Trung có thể là nguyên nhân của việc rút lui này.
Động thái này của các ngân hàng Trung Quốc là dấu hiệu mới nhất cho thấy, quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này bắt đầu lan sang lĩnh vực kinh tế.
Hội nghị thường niên của IMF và WB là sự kiện đơn lẻ lớn nhất thu hút sự có mặt của các quan chức tài chính và kinh tế, các tổ chức phi chính phủ và các ngân hàng. Ban tổ chức ước tính khoảng 20.000 đại biểu sẽ có mặt ở Tokyo để tham gia hội nghị và các sự kiện bên lề diễn ra từ ngày 10-14.10. Từ lâu Trung Quốc đã tìm kiếm một vai trò quan trọng hơn tại những diễn đàn toàn cầu như thế này, ngay cả khi nền kinh tế nước này đã và đang đóng một phần ngày càng quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng, việc Trung Quốc để cho những bất đồng chính trị len lỏi vào các lĩnh vực tài chính và kinh tế chủ chốt có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh chưa sẵn sàng ngồi vào bàn của các nhà lãnh đạo quốc tế.
|