|
ADB cho rằng châu Á đang đối mặt với một thời kỳ mới - thời kỳ tăng trưởng trung bình. |
Hôm nay (3.10), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng khu vực châu Á trong năm 2012 và 2013 xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, nguyên nhân do sự phát triển chậm lại của hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ cũng như do tác động của các vấn đề kinh tế tại châu Âu và Mỹ, 2 thị trường xuất khẩu lớn thế giới.
Theo báo cáo mới nhất về Triển vọng phát triển châu Á năm 2012 của ADB, tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á, gồm 45 quốc gia, dự báo sẽ ở mức 6,1% trong 2012, thấp hơn so với ước tính hồi tháng 4 là 6.6%. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2009. ADB cũng điều chỉnh hạ dự báo cho năm 2013 xuống còn 6,7%, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó 7,3%.
Theo kinh tế trưởng ADB Changyong Rhee, “Sự phát triển khu vực châu Á đang chậm lại nhiều hơn so với dự kiến của chúng tôi. Những năm tăng trưởng 2 con số ở châu Á đang sắp kết thúc”.
Cụ thể, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 7,7% trong năm nay và 8,1% trong năm tới, nhưng vẫn còn nằm dưới mức tăng trưởng đạt được 9,3% của năm ngoái. Tăng trưởng GDP của Ấn Độ cũng bị hạ từ mức dự báo trước đó 7% xuống còn 5,6% năm 2012 và xuống 6,7% năm 2013.
“Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu u ám và nhu cầu nội địa suy giảm tại hai nền kinh tế lớn nhất của khu vực đang làm chậm tốc độ phát triển của châu Á”, báo cáo đánh giá.
Riêng Đông Á vẫn là khu vực có tăng trưởng nhanh nhất, với dự báo tăng trưởng 6,5% trong năm nay và 7,1% trong năm 2013.
Tăng trưởng ở Đông Nam Á sẽ vẫn “khỏe mạnh”, phần lớn nhờ vào sự hồi phục của Thái Lan sau trận lũ lịch sử năm 2011, đồng thời chi tiêu của chính phủ Malaysia và Philippines tăng cao hơn.
“Nhìn chung chúng tôi rất lạc quan rằng châu Á sẽ vẫn duy trì đà tăng trưởng, cho dù mức tăng trưởng không thể lên tới hai con số như hai thập kỷ trước”, ông Rhee đánh giá.
Tuy nhiên, ADB cũng hạ dự báo lạm phát của khu vực từ 5,9% trong năm 2011 xuống 4,2% trong năm 2012 và 2013.
|