Ngày 5.10, Diễn đàn Hàng hải mở rộng (EAMF) lần thứ nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã khai mạc tại thủ đô Manila của Philippines.
Chủ tọa hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Erlinda Basilio cho biết các cuộc thảo luận trong ngày 5.10 tập trung vào các cơ hội tăng cường kết nối hàng hải trong khu vực, nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, tập huấn cho thủy thủ...
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koji Tsuruoka nhấn mạnh tới sự cần thiết phải thiết lập một trật tự hàng hải hiệu quả ở Đông Á để đảm bảo một vùng biển tự do, đi lại an toàn và giao thương không bị cản trở.
Theo ông Tsuruoka, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) chỉ xác định trật tự hàng hải cơ bản mà chưa đề cập tới các tranh chấp lãnh thổ, "vì vậy, cần tăng cường nỗ lực để thiết lập trật tự và các quy định hàng hải căn cứ vào đặc điểm của từng khu vực, phù hợp với các luật quốc tế liên quan, trong đó có UNCLOS."
Ông cũng nhấn mạnh rằng các nỗ lực nhằm thiết lập trật tự và các quy định hàng hải cần được tiến hành thông qua đối thoại hòa bình, đồng thời kiên quyết chống lại mọi ý tưởng cho rằng "lý lẽ thuộc về kẻ mạnh."
Theo Thứ trưởng Tsuruoka, EAMF cần phải tìm ra các cách thức để củng cố và thiết lập các cơ chế hiệu quả nhằm phòng tránh xung đột và giải quyết tranh chấp. Việc này có thể áp dụng cả trong quản lý nguồn tài nguyên cá, thông qua đó chấm dứt vòng luẩn quẩn của cải tiến công nghệ, đánh bắt thái quá làm ảnh hưởng tới môi trường và sinh thái, gây ô nhiễm biển.
Bình luận của ông Tsuruoka được đưa ra sau phát biểu gần đây của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó Thủ tướng Noda cho rằng "mọi âm mưu hiện thực hóa tư tưởng hay tuyên bố chủ quyền của một nước thông qua việc đơn phương sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực là đi ngược lại tinh thần cơ bản trong Hiến chương Liên hợp quốc cũng như lương tri nhân loại, do vậy hoàn toàn không thể chấp nhận."
EAMF là một sáng kiến của Nhật Bản, đưa ra tại Hội nghị Cấp cáo Đông Á tại Bali, Indonesia, năm 2011, nhằm cho phép Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và các đối tác đối thoại khác của ASEAN tham gia Diễn đàn Hàng hải ASEAN.
Diễn đàn có sự tham gia của các quan chức chính phủ, các chuyên gia, học giả và các tổ chức phi chính phủ để thảo luận các vấn đề hàng hải, bao gồm cả nạn cướp biển và buôn người, đồng thời vạch ra đường hướng bảo vệ môi trường biển và thúc đẩy du lịch sinh thái và phát triển nghề cá tại Đông Á.
Trước đó cũng tại Manila ngày 4.10, các quan chức cấp cao ASEAN đã tham dự Diễn đàn Hàng hải ASEAN làn thứ ba để nghe các ý kiến chuyên gia nhằm tăng cường hợp tác hàng hải trong khu vực.
Thứ trưởng Basilio, chủ tọa hội nghị, cho biết các đại biểu đã thảo luận cách thức tăng cường hợp tác hàng hải phù hợp với kế hoạch chi tiết xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh. Các đại biểu cũng đặc biệt nhấn mạnh sự tôn trọng luật pháp quốc tế.
. Theo TTXVN |