Các quốc gia ĐNA tích cực tăng cường năng lực hàng hải
12:51', 8/10/ 2012 (GMT+7)

Tàu ngầm đầu tiên của Malaysia KD Tunku Abdul Rahman

Indonesia sẽ mua tàu ngầm của Hàn Quốc và hệ thống radar bờ biển từ Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam sẽ có tàu ngầm và máy bay chiến đấu của Nga, còn Singapore, nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới, cũng tính bổ sung thêm vào kho vũ khí của nước này.

Sự thận trọng đối với Trung Quốc và mục tiêu phát triển kinh tế có thể coi là những nguyên nhân khiến khu vực Đông Nam Á tăng cường mua sắm các thiết bị quân sự để bảo vệ tuyến vận tải biển, cảng biển và lãnh hải vốn đóng vai trò tối quan trọng trong lĩnh vực xuất khẩu và năng lượng.

Những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, nơi có tiềm năng về dầu mỏ và khí đốt, đã buộc Việt Nam, Malaysia, PhilippinesBrunei tìm cách tạo thế cân bằng với lực lượng hải quân ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc. Ngay cả những nước không có liên quan đến tranh chấp này, như Indonesia, Thái Lan và Singapore, vấn đề an ninh hàng hải cũng trở thành một trong những mục tiêu quan trọng.

Theo ông James Hardy, biên tập viên của tuần báo quốc phòng HIS Jane, phát triển kinh tế đang thúc đẩy các nước này chi tiền cho lĩnh vực phòng thủ nhằm bảo vệ các dự án đầu tư, tuyến vận tải biển và vùng đặc quyền kinh tế của mình, trong đó xu hướng phổ biến nhất hiện nay là tuần tra bảo vệ bờ biển và hải giám.

Số liệu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cung cấp cho thấy, từ năm 2002 đến 2011, khi các nền kinh tế ở Đông Nam Á tăng trưởng nhanh, chi tiêu quốc phòng ở khu vực này cũng thực tăng đến 42%, trong đó dẫn đầu trong danh mục mua sắm có thể kể đến tàu chiến, tàu tuần tra, hệ thống radar và máy bay chiến đấu, cùng với tàu ngầm và tên lửa chống hạm.

Với việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực quân sự, danh sách mua sắm đang ngày càng nhiều hơn. Hầu hết các nước ở ĐNA có đường bờ biển nên trọng tâm của việc mua sắm này cũng hướng đến lĩnh vực phòng thủ bờ biển và phòng không.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Malaysia có hai tàu ngầm Scorpene, Việt Nam sẽ mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga, Thái Lan có kế hoạch mua tàu ngầm và máy bay chiến đấu Gripen từ Thụy Điển và Singapore cũng mua máy bay chiến đấu F-15SG từ công ty Boeing của Mỹ và hai tàu ngầm lớp Archer từ Thụy Điển.

Ngoài các nước trên, Indonesia, quốc đảo với tuyến vận tải biển quan trọng và đường bờ biển kéo dài 54.700 km, cũng có hai tàu ngầm và đã đặt hàng mua 3 tàu mới từ Hàn Quốc. Nước này còn hợp tác với các công ty Trung Quốc để sản xuất tên lửa chống hạm C-705 và C-802 sau vụ phóng thử tên lửa chống hạm Yakhont do Nga chế tạo vào năm ngoái.

Các nhà phân tích cho rằng, đây không phải là cuộc chạy đua vũ trang mà bắt nguồn từ những tranh chấp trên Biển Đông, những bất đồng kéo dài giữa các quốc gia cũng như tham vọng hiện đại hóa quân sự khi chính phủ có tiền, chưa kể các vấn đề như hải tặc, đánh bắt cá trái phép, buôn lậu, khủng bố và cứu trợ thiên tai cũng thúc đẩy các nước tăng cường chi tiêu quân sự.

Ngoài ra, theo nhà phân tích Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu ĐNA, các nước trong khu vực đều có cảm giác chung về sự bất ổn chiến lược do sự lớn mạnh của Trung Quốc và sự nghi ngại về khả năng duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á.

Theo SIPRI, Indonesia, Việt Nam, Campuchia và Thái Lan là những nước dẫn đầu trong tăng cường ngân sách quốc phòng từ 66-82% từ năm 2002-2011. Tuy nhiên, Singapore, nước có quân đội được trang bị tốt nhất, mới là quốc gia chi mạnh tay nhất cho quốc phòng. Số liệu của IISS cho thấy, ngân sách quốc phòng năm 2011 của Singapore là 9,66 tỉ USD, lớn hơn nhiều so với 5,52 tỉ USD của Thái Lan, 5,42 tỉ USD của Indonesia, 4,54 tỉ USD của Malaysia và 2,66 tỉ USD của Việt Nam.

Theo SIPRI, Philippines, nước phụ thuộc phần lớn vào việc nhập vũ khí từ Mỹ, có kế hoạch chi 1,8 tỉ USD để nâng cấp kho vũ khí của mình trong 5 năm, trong bối cảnh nước này ngày càng phải đối mặt với sự đe dọa của Trung Quốc trong những tranh chấp trên Biển Đông, còn Thái Lan cũng chế tạo tàu tuần tra với thiết kế của công ty vũ khí BAE Systems của Anh. Ngoài ra, nước này còn có kế hoạch hiện đại hóa 1 tàu khu trục và mua 1 tàu khác trong vòng 5 năm tới. Trong khi đó, Singapore gần như chỉ mua trang thiết bị quân sự từ Mỹ, Pháp và Đức, nhưng nước này cũng có ngành công nghiệp quốc phòng riêng.

Trong khi nhiều nước phương Tây đang phải thắt chặt ngân sách quốc phòng, châu Á trở thành thị trường béo bở cho các tập đoàn sản xuất vũ khí, thiết bị liên lạc và hệ thống giám sát. Lockheed Martin và công ty quốc phòng của Boeing đều kỳ vọng sẽ thu được khoảng 40% lợi nhuận toàn cầu từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

  • Lê Quảng (theo Reuters)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đức tiếp tục gây sức ép buộc Hy Lạp cải cách  (08/10/2012)
Hugo Chávez tái đắc cử Tổng thống Venezuela  (08/10/2012)
Mỹ dọa áp đặt thêm các lệnh cấm vận Iran  (07/10/2012)
Palestine kêu gọi OIC họp khẩn về cuộc đột kích của Israel ở Al Aqsa  (07/10/2012)
Philippines: Chính phủ và phe nổi dậy đạt được thỏa thuận hòa bình  (07/10/2012)
Triển vọng kinh tế toàn cầu đang tiếp tục xấu đi  (07/10/2012)
"Binh sĩ Triều Tiên đã bắn chết chỉ huy rồi đào tẩu"  (06/10/2012)
Mỹ, Hàn Quốc nhất trí tăng cường răn đe Triều Tiên   (06/10/2012)
Nga lại viện trợ nhân đạo cho Syria  (06/10/2012)
Tổng thống Iran đổ lỗi phương Tây về việc rớt giá đồng rial  (05/10/2012)
Hàn Quốc nhập lại dầu từ Iran  (05/10/2012)
Khai mạc Diễn đàn hàng hải ASEAN mở rộng lần đầu  (05/10/2012)
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cho phép điều quân sang Syria  (05/10/2012)
Điều tra viên Mỹ kiểm tra hiện trường vụ tấn công đại sứ tại Libya  (05/10/2012)
Cựu thứ trưởng Nội vụ Hy Lạp tự tử  (05/10/2012)