IMF, WB khai mạc hội nghị thường niên tại Tokyo
9:47', 9/10/ 2012 (GMT+7)

Hôm nay (9.10), hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) khai mạc tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, với sự tham dự của gần 20.000 quan chức chính phủ và lãnh đạo các ngân hàng và lĩnh vực tư nhân.

Chương trình nghị sự kéo dài đến hết tuần này bao gồm các cuộc hội thảo, hội nghị và thảo luận nhằm bàn bạc các vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng tại eurozone, sự tiến triển chậm chạp của kinh tế toàn cầu và các biện pháp hỗ trợ các nước đang phát triển.

Ngoài ra, hội nghị lần này cũng tập trung vào các nỗ lực nhằm hạn chế ảnh hưởng của thảm họa tự nhiên đối với kinh tế. Liên quan đến vấn đề này, dự kiến nước chủ nhà Nhật Bản cũng tổ chức một cuộc họp trong hai ngày 9-10.10, đề cập đến thảm họa động đất-sóng thần mà nước này hứng chịu hồi năm ngoái và công bố nghiên cứu chung mà Nhật Bản và WB tiến hành về hạn chế tác động của thảm họa tự nhiên.

Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế thế giới được IMF chính thức công bố ngày hôm nay, tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 3,3% trong năm nay và 3,6% trong năm 2013, giảm lần lượt từ 3,4% và 3,9% được đưa ra trước đó.

Tại hội nghị này, đại diện 188 thành viên của IMF cũng tập trung vào vấn đề nợ công và khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng ở châu Âu và ảnh hưởng lan rộng ra ngoài khu vực này, tác động đến các nền kinh tế thị trường mới nổi như Trung Quốc.

Dự kiến, trong ngày 11.10, bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của các nước thuộc nhóm G-7 (Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ) sẽ nhóm họp. Các đại diện châu Âu sẽ trình bày những giải pháp sẽ thực hiện để đối phó với cuộc khủng hoảng ở khu vực này trước thềm hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu sắp tới.

Cũng trong ngày 11.10, chính phủ Nhật Bản sẽ tổ chức cuộc họp bàn về các biện pháp đối phó với vấn đề nợ xấu của Myanmar, nước bị cô lập trong hàng chục năm qua. Hồi tháng 4.2012, Nhật Bản, chủ nợ lớn nhất của Myanmar, cam kết xóa bỏ có điều kiện một phần nợ của Myanmar và tái khởi động việc cho vay bằng đồng yen, đồng thời đề nghị các chủ nợ khác, bao gồm WB và các nước EU, có các bước đi tương tự.

Trong ngày tiếp theo (12.10), bộ trưởng tài chính của 7 nước nói trên và Nga (G-8) sẽ tiếp tục gặp nhau để thảo luận về việc hỗ trợ cho phong trào dân chủ Mùa xuân Arab.

Ngày 13.10, Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế (IMFC), cơ quan phụ trách chính sách của IMF và Ủy ban phát triển, diễn đàn chung của IMF và WB, sẽ lần lượt nhóm họp. IMFC sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề cải cách IMF, nhằm giúp nâng cao tiếng nói của các nước đang phát triển tại tổ chức này, trong bối cảnh vai trò của các thành viên này ngày càng quan trọng đối với kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, nhiều khả năng vấn đề cải tổ IMF để trao nhiều quyền lực hơn cho nước có thị trường mới nổi năng động như Brazil và Trung Quốc chưa thể được thực hiện tại hội nghị lần này vì Mỹ, nước đóng góp lớn nhất tại IMF, vẫn chưa hoàn tất việc thông qua thỏa thuận cải cách này trong nội bộ nước Mỹ do vướng phải công tác chuẩn bị bầu cử tổng thống.

  • Lê Quảng (theo Kyodo)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tổng thống Ai Cập xóa tội các tù nhân chính trị  (09/10/2012)
Hàn Quốc thẩm vấn binh sĩ Triều Tiên đào tẩu  (08/10/2012)
Ba hãng xe hơi Nhật Bản giảm 1/2 công suất tại Trung Quốc  (08/10/2012)
Triều Tiên ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc  (08/10/2012)
Ngành lọc dầu thế giới chuyển hướng sang Trung Đông  (08/10/2012)
Hàn Quốc sẽ triển khai tên lửa tầm bắn mới trong 5 năm tới  (08/10/2012)
Israel tấn công Dải Gaza, bắt giữ 4 ngư dân Palestine  (08/10/2012)
NATO sắp can thiệp quân sự vào Syria?  (08/10/2012)
Các quốc gia ĐNA tích cực tăng cường năng lực hàng hải  (08/10/2012)
Đức tiếp tục gây sức ép buộc Hy Lạp cải cách  (08/10/2012)
Hugo Chávez tái đắc cử Tổng thống Venezuela  (08/10/2012)
Mỹ dọa áp đặt thêm các lệnh cấm vận Iran  (07/10/2012)
Palestine kêu gọi OIC họp khẩn về cuộc đột kích của Israel ở Al Aqsa  (07/10/2012)
Philippines: Chính phủ và phe nổi dậy đạt được thỏa thuận hòa bình  (07/10/2012)
Triển vọng kinh tế toàn cầu đang tiếp tục xấu đi  (07/10/2012)