Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Boonsong Teriyapirom hôm qua (9.10) cho biết, chính phủ nước này có thể mất khoảng 80 tỉ baht từ chương trình can thiệp giá gạo được đưa ra hồi tháng trước.
Số liệu do ông Boonsong trích dẫn tương đương với 1/5 giá trị thâm hụt ngân sách dự kiến 400 tỉ baht trong tài khóa kết thúc vào tháng 9.2012. Tuy nhiên, ông không giải thích sự tổn thất này được tính toán như thế nào hay liệu con số này đã bao gồm 7,3 triệu tấn gạo mà ông tuyên bố Thái Lan đã ký hợp đồng bán cho chính phủ một số nước hay không.
“Sẽ không có lợi nhuận nào cả vì đây là chính sách hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, sự tổn thất sẽ không quá lớn mà chỉ ở mức 80 tỉ baht.” – ông Boonsong nói.
Theo chương trình này, chính phủ Thái Lan mua gạo từ nông dân với giá 15.000 baht/tấn, cao hơn so với 9.000 baht/tấn mà thương nhân mua.
Kế hoạch can thiệp giá gạo được duy trì cho mùa vụ mới từ tháng 10.2012; tuy nhiên, nhiều nhà chuyên môn thúc giục chính phủ cắt giảm chương trình này vì, nếu tính theo giá thị trường, thì ước tính sự hao tổn từ kế hoạch này lên đến 100 tỉ baht.
Những người phản đối cũng cho rằng, về lâu dài chương trình này có thể đẩy những khách hàng quen thuộc một thời của Thái quay sang những nước xuất khẩu gạo khác như Việt Nam.
Hiện Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới; tuy nhiên, nhiều khả năng Việt Nam và Ấn Độ sẽ vượt qua Thái Lan do giá gạo của nước này quá cao do chương trình can thiệp giá gạo của chính phủ.
Chính phủ Thái Lan dành 300 tỉ baht cho chương trình can thiệp giá gạo 2011-2012 và tuần trước đã thông qua khoản tiền ban đầu trị giá 240 tỉ baht cho chương trình can thiệp vào mùa vụ mới từ tháng 10.2012.
|