|
Nạn hạn hán tại Nga và Mỹ (ảnh) trong mùa hè vừa qua khiến giá nhiều loại ngũ cốc tăng vọt. Ảnh: Reuters |
Ngày 15.10, trước thềm kỉ niệm Ngày lương thực thế giới năm nay (16.10.2012), Liên Hiệp Quốc (LHQ) khai mạc một loạt cuộc họp tại Rome (Italy) nhằm cố gắng ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu lần 3 trong vòng 4 năm trở lại đây.
Giá lương thực hiện rất bấp bênh và đang ở mức cao một cách nguy hiểm. Nạn hạn hán trong mùa hè vừa qua tại Mỹ và Nga khiến giá các loại ngũ cốc như ngô, lúa mì và đậu nành tăng vọt. Các nhà kinh tế của Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) nhận định ít có khả năng giá của những loại ngũ cốc này sớm trở lại bình thường.
Giá lương thực leo thang khiến Pháp lập tức kêu gọi Diễn đàn phản ứng nhanh G20 – nhóm các nhà hoạch định chính sách lương thực toàn cầu chịu trách nhiệm ngăn ngừa khủng hoảng do G20 vừa lập ra – họp khẩn cấp. Cuộc họp dự kiến diễn ra hôm nay (16.10) tại Rome nhân Ngày lương thực thế giới. Tuy nhiên, nó đã bị hủy vì Mỹ - chủ tịch của Diễn đàn phản ứng nhanh G20 – cho rằng cuộc họp “không cần thiết vào lúc này”.
Cố vấn chính sách nông nghiệp và an ninh lương thực của tổ chức Oxfam Mỹ Eric Muñoz cho rằng, việc hủy cuộc họp khẩn cấp nói trên là bỏ qua một cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới hội đàm về một số vấn đề mang tính hệ thống đang đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.
Theo ông Muñoz, trong cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, các nước phụ thuộc vào việc nhập khẩu lương thực, phần lớn tại châu Phi và châu Á, bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Tình hình hiện nay cũng giống như vậy.
FAO ước tính, thế giới hiện có 870 triệu người đói ăn. Số người đói ăn tại Mỹ và khu vực Mỹ Latinh giảm nhưng tại khu vực Hạ Sahara ở châu Phi tăng.
FAO dự kiến biến lễ kỉ niệm Ngày lương thực thế giới năm nay thành một cơ hội khơi gợi thảo luận về một số thách thức lớn nhất đối với thị trường lương thực toàn cầu, trong đó có vấn đề canh tác nông nghiệp tại một số khu vực ở châu Phi và tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đối với nông nghiệp.
|