|
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) đón tiếp Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki tại dinh thự Novo-Ogaryovo ở ngoại ô thủ đô Moscow. |
Gần một thập kỷ sau khi quân đội Mỹ lật độ chính quyền cựu Tổng thống Saddam Hussein tại Iraq, Nga đang nỗ lực giành lại một số ảnh hưởng mà nước này có được suốt gần ¼ thời gian cầm quyền của Saddam Hussein.
Tuần trước, Tổng thống và Thủ tướng Nga đã trải thảm đỏ đón tiếp Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki. Vấn đề ưu tiên hàng đầu của các cuộc thảo luận là hợp đồng vũ khí trị giá 4 tỷ USD. Tại cuộc gặp, Tổng thống Putin cho rằng, các chuyên gia Iraq rất am tường hệ thống vũ khí của Nga. Moscow hy vọng hai nước có thể tìm được tiếng nói chung trên “những phương diện quan trọng này”, không chỉ giúp thúc đẩy về mặt kinh tế mà còn tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai chính phủ.
Theo nhà phân tích quân sự Alexander Golts, 90% vũ khí của Iraq sử dụng dưới thời cựu Tổng thống Hussein đều được nhập khẩu từ Nga hay từ thời Liên Xô cũ. Hợp đồng vũ khí mới được ký sẽ bao gồm các máy bay vận tải hàng không và súng chống tăng. “Vũ khí của Nga tương đối đơn giản, không phải hiện đại nhất. Vì thế chúng có thể được binh sĩ Iraq sử dụng tốt mà không cần phải qua khóa đào tạo kỹ thuật ở trình độ cao nào”.
Ông Alexei Malashenko, một chuyên gia khu vực thuộc Văn phòng Carnegie Moscow cùng một số nhà phân tích khác tại Moscow và Washington cho rằng, hợp đồng trên cho thấy Baghdad đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung ứng các loại vũ khí, thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn vũ khí cung ứng từ Mỹ.
Moscow và Iraq cũng đang hợp tác chặt chẽ trên lĩnh vực năng lượng. Hiện các công ty năng lượng Gazprom và Lukoil của Nga đều đang có các dự án tại Iraq. Tại cuộc gặp mặt tuần trước, Tổng thống Putin đã thúc giục Thủ tướng Maliki “bật đèn xanh” cho các công ty Nga tăng cường sản xuất dầu mỏ và khí đốt tại đây.
Ngoài lĩnh vực kinh tế, chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Iraq cũng gởi đi một thông điệp mạnh mẽ về chính sách đối ngoại của Nga. Vào năm ngoái, Điện Kremlin tuyên bố họ đứng về bên yếu thế hơn trong phong trào Mùa xuân Ả rập ở Ai Cập, Tunisia và Libya. Thế nhưng giờ, ông Malashenko cho rằng, Kremlin đang muốn giành lại sự ảnh hưởng trong thế giới Ả rập, mà điểm khởi đầu là từ Iraq. “Mục đích của Nga là giành lại sự ảnh hưởng ở Iraq, một quốc gia Ả rập lớn. Moscow muốn tránh những tuyên bố trước đó là đứng ngoài vấn đề chia rẽ giáo phái ngày một căng thẳng trong khu vực”.
Một số nhà phân tích cho rằng Nga đang nghiêng về phía “khối liên minh dòng Shitte” yếu thế hơn, bắt đầu từ phong trào du kích Hezbollah ở Lebanon tới Syria, Iraq và Iran. Đối ngược với họ là “khối liên minh dòng Sunni” từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Jordan, Saudi Arabia và vùng Vịnh.
|