Trong cuộc tranh luận cuối diễn ra ở Đại học Lynn và được điều hành bởi người dẫn chương trình kỳ cựu Bob Schieffer của đài CBS News, đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích mạnh đối thủ Mitt Romney vì đã sai lầm trên mọi sự lựa chọn chính sách ngoại giao mà ông đưa ra.
Ngay sau khi cuộc tranh luận kết thúc, trưng cầu chớp nhoáng do CBS News thực hiện cho thấy Obama đã giành chiến thắng với tỷ lệ 53%-23%, giúp ông gỡ gạc điểm số sau khi đã thất bại ở lần tranh luận đầu tiên mang tính then chốt. Cuộc trưng cầu của CNN cũng cho kết quả tương tự, nhưng với khoảng cách sít sao hơn là 48%-40%.
Giáo sư truyền thông công cộng Dotty Lynch tại đại học Mỹ cho rằng bằng việc đồng ý với chính sách đối ngoại của Obama, Romney đã cố gắng chuyển hướng cuộc tranh luận sang vấn đề kinh tế mà ông ta cho rằng mình mạnh hơn đối thủ.
Obama: Ý tưởng của Romney luôn sai bét
Mở đầu cho cuộc tranh luận ở Boca Raton, Florida, hai ứng viên đụng nhau trên vấn đề Syria, Libya và các điểm nóng khác. Obama nói rằng cựu Thống đốc Massachusetts đã "sai lầm toàn diện" trên chính sách ngoại giao. "Tôi biết ông chưa từng được đặt ở vị trí được thực thi chính sách ngoại giao, nhưng mỗi khi ông đưa ra một ý tưởng nào đó thì ông luôn sai bét" - Obama nói.
Obama, người đã rút quân khỏi Iraq, chỉ vào các tuyên bố của Romney trong mấy tuần qua để chứng minh ông này ủng hộ việc duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đất nước đã bị Mỹ xâm lược hồi năm 2003, dưới thời cựu Tổng thống Cộng hòa George W. Bush. "Thống đốc, khi nói tới chính sách ngoại giao của chúng ta, ông có vẻ muốn nhập khẩu chính sách của những năm 1980, cũng giống như việc ông thích dùng chính sách xã hội của những năm 1950 và chính sách kinh tế của những năm 1920 vậy" - Obama nói. Romney đã chỉ trích "hăng" không kém về chính sách ngoại giao của Obama. Ông nêu ra các nhược điểm về ngoại giao dưới thời Obama, như các cuộc đổ máu ở Syria và Libya, nơi 4 người Mỹ, gồm 1 viên đại sứ mới bị giết gần đây."
"Tôi chúc mừng ông ấy vì đã hạ được Osama bin Laden và đã tấn công vào bộ máy lãnh đạo của Al Qaeda" - cựu Thống đốc Massachusetts nói - "Nhưng chúng ta không thể dùng giết chóc để thoát ra khỏi tình trạng hỗn loạn" - Romney nói.
Romney, dù phản đối sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào Syria, lại cho rằng Mỹ phải làm nhiều hơn thế để chấm dứt bạo lực và hạ bệ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
"Đây là cơ hội mang tính quyết định với nước Mỹ" - Romney nói, cáo buộc Obama đã đẩy quả bóng chính sách Syria sang chân cựu đặc sứ hòa bình Liên hợp quốc Kofi Annan, trong nỗ lực không thành công nhằm tìm kiếm lệnh ngừng bắn ở quốc gia này.
"Khi ý định này không thành, Obama bèn quay sang những người Nga và nói rằng liệu các anh có thể làm được điều gì không. Chúng ta lẽ ra phải đóng vai trò lãnh đạo tại đó" - Romney nói.
Obama đánh giá tình hình bạo lực ở Syria đã khiến ông "đau lòng". "Và đó là lý do vì sao chúng ta phải làm mọi điều có thể để đảm bảo rằng ta đang giúp phe đối lập. Nhưng chúng ta cũng phải nhận ra rằng có hành động quân sự dính líu vào Syria là bước đi cần được cân nhắc cẩn trọng" - Obama nói.
Romney: "Iran là mối đe dọa lớn nhất"
Về mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ, nếu như ông Obama nói rằng đó là mạng lưới khủng bố thì ông Romney đã chỉ đích danh đó là chương trình hạt nhân của Iran.
"Chừng nào tôi còn là Tổng thống Mỹ, Iran sẽ không có vũ khí hạt nhân" - Obama nói. "Israel là một người bạn thực thụ. Đó là đồng minh lớn nhất của chúng ta trong khu vực. Và nếu Israel bị tấn công, Mỹ sẽ chung vai sát cánh với Israel. Tôi đã nói rõ trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của mình."
Obama đã bác bỏ một bài báo đăng cuối tuần trên tờ The New York Times nói rằng Mỹ và Iran, vốn không có quan hệ ngoại giao, sẽ chuẩn bị đàm phán song phương sau cuộc bầu cử Tổng thống.
"Các bài báo kiểu này không đúng sự thực" - Obama nói.
Nhưng Obama, sau khi cáo buộc Romney quá dông dài về các vấn đề quan trọng, đã nói rằng ông thấy "hài lòng vì Romney đã đồng tình với chính sách áp dụng sức ép ngoại giao và mở ra tiềm năng thảo luận song phương với Iran" để chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này.
Obama nói rằng Iran đang ngày càng cô lập do cấm vấn quốc tế.
Trong khi đó, Romney cáo buộc Obama đã không thể ngăn chặn sự tiến triển trong chương trình hạt nhân của Tehran, vốn bị Israel và một số quan chức phương Tây nói rằng sẽ đưa tới kết cục là Iran có bom hạt nhân.
"Tôi thấy Iran đã có 4 năm tiến gần hơn tới việc sở hữu một quả bom hạt nhân" - Romney nói, đồng thời còn chỉ trích thành tích của Obama trong các vùng khác của Trung Đông, bao gồm đất nước Syria đang chìm trong vòng bạo lực như hiện nay. "Tôi không thấy ảnh hưởng của chúng ta tăng lên trên thế giới. Tôi thấy ảnh hưởng đang suy giảm dần" - Romney nói.
Ông Romney nói Tổng thống Iran Mahmoud Ahmedinejad lẽ ra phải bị truy tố vì tội ác diệt chủng theo Công ước Liên Hợp Quốc về diệt chủng.
Romney cũng nói rằng Obama lẽ ra phải lên tiếng ủng hộ người biểu tình chống chế độ ở Iran. "Khi sinh viên đổ xuống các con phố ở Tehran và người ta biểu tình, cuộc Cách mạng Xanh diễn ra, việc Tổng thống của chúng ta giữ im lặng là sai lầm rất lớn. Chúng ta phải đứng lên, bảo vệ các nguyên tắc của mình, đứng lên bảo vệ đồng minh, đứng lên vì một quân đội mạnh và đứng lên vì một nền kinh tế mạnh hơn" - ông nói.
Trung Quốc vẫn là mối quan tâm lớn
Ngay sau khi đề cập tới mối đe dọa, hai ứng viên đã nhanh chóng chuyển hướng sang vấn đề Trung Quốc.
“Chúng tôi tôn trọng Trung Quốc, Trung Quốc là một đối thủ song đồng thời cũng là một đối tác tiềm năng trên trường quốc tế nếu họ tôn trọng các quy tắc, chuẩn mực,” ông Obama nói sau khi gật đầu lướt qua trước câu hỏi của người điều hành.
“Vì vậy mà thái độ của tôi khi bước vào văn phòng là nhấn mạnh rằng Trung Quốc phải tuân thủ mọi luật lệ giống như bất cứ ai khác,” ông Obama nói thêm đồng thời cáo buộc Romney thất bại trong nỗ lực chống lại việc xuất khẩu việc làm từ Mỹ sang các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Romney cho rằng Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn nếu nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ vì Trung Quốc hiện hưởng lợi từ cán cân thương mại chênh lệch lớn giữa hai nước.
“Họ (Trung Quốc) muốn một thế giới ổn định… Họ muốn nền kinh tế thế giới tự do và mở - ông Romney nói - Chúng ta có thể là một đối tác của Trung Quốc, nhưng chúng ta cần đạt được những tiến bộ trong vấn đề tỉ giá đồng tiền. Họ phải làm nhiều hơn”.
Ông cũng nói Trung Quốc là một nước gian lận thương mại và một ngày nào đó sẽ gọi Trung Quốc là "kẻ thao túng tiền tệ".
Romney: Dưới thời Obama, Mỹ đã căng thẳng quan hệ với Israel
Về vấn đề Israel, Mitt Romney cáo buộc Tổng thống Barack Obama đã bỏ rơi các đồng minh truyền thống là Israel và Ba Lan, đồng thời hứa rằng ông sẽ bênh vực họ.
"Chúng ta phải đứng bên các đồng minh của mình. Tôi nghĩ rằng căng thẳng tồn tại giữa Israel và Mỹ là điều hết sức không may" - Romney nói - "Tôi nghĩ rằng rút chương trình lá chắn tên lửa khỏi Ba Lan như cách ta đã làm cũng là điều không may mắn, bởi nó phá hỏng mối quan hệ đã tồn tại giữa hai nước"
Ba Lan, vốn đã trở thành thành viên NATO kể từ khi rút khỏi Hiệp ước Warsaw do Liên Xô dẫn đầu, đã tỏ ra sốt sắng trong việc muốn Mỹ đưa tên lửa đánh chặn tới đây. Nhưng Obama đã hủy bỏ kế hoạch lá chắn tên lửa này do sức ép từ Nga.
Cuộc tranh luận vòng 3 ở Đại học Lynn là cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng của hai ứng viên trước ngày bầu cử vào 6.11 tới.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm rút ra từ những kỳ bầu cử trước, chính sách đối ngoại không được xem là yếu tố quyết định, bởi các cử tri vẫn bị ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế ảm đạm sẽ phải mất vài ngày để đánh giá các cuộc tranh luận có tác động thế nào tới những cuộc trưng cầu tiếp theo.
Theo Vietnam+ |