Ngày 24.10, Liên minh châu Phi (AU) quyết định phục hồi tư cách thành viên của Mali, đồng thời tuyên bố sẽ can thiệp quân sự vào nước này trong vòng vài tuần nữa nhằm giúp Mali giành lại phần lãnh thổ đã bị phiến quân Hồi giáo kiểm soát.
|
Chủ tịch Ủy ban AU Nkosazana Dlamini-Zuma thông báo về việc tái kết nạp Mali vào AU và quyết định triển khai quân tại Mali của AU. |
AU cũng vạch ra một lộ trình chính trị cho quốc gia Tây Phi bất ổn sau cuộc đảo chính hồi tháng 3 vừa qua. Theo đó, Mali sẽ tổng tuyển cử vào tháng 4 năm sau.
Các nhóm Hồi giáo vũ trang đang kiểm soát 2/3 lãnh thổ ở miền Bắc Mali và khiến dư luận quốc tế phẫn nộ trước những cuộc hành quyết và phá hủy các cơ sở tôn giáo cổ mà chúng cho là vi phạm luật Hồi giáo hà khắc sharia. Liên Hiệp Quốc (LHQ) lên án các nhóm Hồi giáo này vi phạm nhân quyền có hệ thống, đặc biệt là đối với phụ nữ.
Phát biểu trước quyết định của AU, Ngoại trưởng Mali Tieman Hubert Coulibaly cho biết ông “vui và hài lòng” đồng thời khẳng định đây là kết quả của việc Mali “tôn trọng các thỏa thuận đã ký, thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc theo đúng các yêu cầu của cộng đồng quốc tế”.
Người phát ngôn Ủy ban AU, bà Nkosazana Dlamini-Zuma thông báo: “Chúng tôi đang…hoàn tất kế hoạch chung triển khai sớm lực lượng quân sự quốc tế do châu Phi lãnh đạo, nhằm giúp Mali giành lại các phần lãnh thổ bị phiến quân Hồi giáo chiếm đóng tại miền Bắc”.
“Cùng lúc, chúng tôi sẽ để ngỏ khả năng đàm phán cho các nhóm phiến quân Mali muốn hòa đàm” – bà Dlamini-Zuma nói thêm.
Mali bị AU đình chỉ tư cách thành viên sau khi quân đội nước này đảo chính lật đổ chế độ Tổng thống Mali Amadou Toumani Toure vào tháng 3 vừa qua. Sang tháng 4, Tổng thống lâm thời Dioncounda Traore tuyên thệ nhậm chức nhưng những nghi ngờ về việc ai thực sự nắm quyền vẫn còn tồn tại.
Tháng 6 vừa qua, AU đề nghị LHQ hỗ trợ chống phiến quân Hồi giáo tại Mali. Một số phái viên nước ngoài nhận định có thể phải mất nhiều tháng nữa, AU mới triển khai được chiến dịch quân sự tại Mali như dự tính.
|