|
Một nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc |
Chính phủ Trung Quốc cho biết, nước này sẵn sàng cho kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới nhằm giảm sự lệ thuộc vào dầu mỏ và than.
Chính phủ Bắc Kinh hôm qua (24.10) thông qua kế hoạch về phát triển và an toàn điện hạt nhân, trong đó nói rằng việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân sẽ được khôi phục “một cách ổn định” và sẽ chỉ có một số lượng nhỏ các nhà máy được xây dựng ở các vùng ven biển, với những yêu cầu an toàn ở mức cao nhất.
Hiện thời điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân vẫn chưa được công bố.
Trước đó, Bắc Kinh ngừng thông qua kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân hồi tháng 3.2011, sau khi xảy ra thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản. Lãnh đạo Trung Quốc ra lệnh kiểm tra độ an toàn của các cơ sở hạt nhân hiện tại và xem xét lại các dự án hạt nhân mới.
Trung Quốc có 15 lò phản ứng hạt nhân, với tổng công suất khoảng 12,5 gigawatt. Dự kiến, 26 lò phản ứng khác đang được xây dựng tại đây sẽ bổ sung thêm 30 gigawatt nữa.
Báo cáo của chính phủ Trung Quốc cho biết, hiện nước này tự chủ được 90% năng lượng nhưng nhu cầu năng lượng sẽ tiếp tục tăng cao, khiến các nguồn năng lượng có thể bị thiếu hụt. Bắc Kinh hy vọng các nguồn năng lượng có thể tái tạo như mặt trời và gió cũng như điện hạt nhân sẽ đem lại 30% sản lượng điện cho nước này vào cuối năm 2015, cao hơn so với mục tiêu trước đó là 15% từ các nguồn năng lượng có thể tái tạo và 5% từ hạt nhân vào năm 2020.
Báo cáo cũng cảnh báo “những thách thức nghiêm trọng” trong lĩnh vực an ninh năng lượng nếu nước này tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ. Theo số liệu thống kê, dầu mỏ nhập khẩu chiếm 1/3 tổng số dầu mỏ tiêu thụ trong những năm đầu 2000 và hiện chiếm đến 60%.
Chính phủ nước này đang nôn nóng thúc đẩy các dự án năng lượng từ gió, mặt trời cũng như các nguồn khác nhằm giảm thiểu ô nhiễm do các nhà máy sử dụng than gây ra và hạn chế sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào nhập khẩu dầu mỏ.
|