Ngày 30.10, Italy thông qua một bộ luật mới chống tham nhũng. Đây là động thái mới nhất của chính quyền Thủ tướng Italy Mario Monti nhằm khôi phục hình ảnh đất nước sau nhiều bê bối của người tiền nhiệm Silvio Berlusconi.
Luật mới gia tăng hình phạt tù đối với công chức phạm tội đòi hối lộ hay lạm dụng chức quyền (để tư lợi). Án tù đối với tội phạm tham nhũng trong khu vực tư nhân cũng tăng.
Người có tiền án tiền sự tham nhũng bị cấm tranh cử vào các cơ quan công quyền. Chính quyền các địa phương bắt buộc phải có chương trình chống tham nhũng và đánh giá chương trình này hàng năm. Các cơ quan này cũng buộc phải công khai ngân sách và chi tiêu ngân sách trên các trang web của mình.
Người tố cáo tiêu cực có quyền được bảo vệ danh tính.
Bộ luật trên được quốc hội Italy thảo luận suốt hơn 1 năm qua và được hạ viện phê chuẩn ngày 30.10 với 460 phiếu thuận, 76 phiếu chống.
Đầu tháng này, chính phủ của ông Monti thông qua một bộ luật về thành lập một hội đồng chống tham nhũng có nhiều quyền điều tra; tuyên bố sửa đổi hiến pháp nhằm tái kiểm soát việc chi tiêu ngân sách của các chính quyền địa phương – trung tâm của một số vụ bê bối tham nhũng gần đây.
Tòa án Kiểm toán Italy, một cơ quan có trách nhiệm kiểm toán tài chính công, vừa đưa ra ước tính tệ nạn tham nhũng làm nền kinh tế Italy mất khoảng 60 tỉ euro/năm trong tổng GDP trị giá 1,7 nghìn tỉ euro.
Nội các gồm các nhà kỹ trị không qua bầu cử của ông Monti đã và đang nỗ lực thực thi đầy đủ bộ luật chống tham nhũng mới nói trên trước khi Italy tổng tuyển cử vào tháng 4 năm sau.
Đảng PDL cánh trung hữu của cựu Thủ tướng Berlusconi bị giảm sút uy tín nặng nề nhất trong số các đảng tranh cử vì hàng loạt bê bối tham nhũng.
Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) thúc giục Italy nhanh chóng thành lập một cơ quan độc lập chống tham nhũng, không nên chỉ dừng lại ở bộ luật mới. Theo TI, 87% người dân Italy xem tham nhũng là một trong những vấn đề trầm trọng nhất của đất nước và các đảng chính trị cần phải chịu trách nhiệm về vấn nạn này.
|