Hôm nay (5.11), hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) lần thứ 9 khai mạc tại Vientiane (Lào). Hàng chục nhà lãnh đạo Á, Âu sẽ gặp nhau để bàn về 2 vấn đề chính của hội nghị: cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và tình hình căng thẳng liên quan tranh chấp lãnh thổ gia tăng tại châu Á.
Tại hội nghị ASEM 9 lần này, các nhà lãnh đạo châu Âu - trong đó có Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italy Mario Monti – sẽ ra sức trấn an châu Á rằng cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sắp sửa nằm dưới tầm kiểm soát.
Những nỗ lực này được xem là một dấu hiệu cho thấy một châu Âu đang chìm trong nợ nần có tầm quan trọng ngày càng lớn đối với các nền kinh tế phát triển nhanh của châu Á; cho thấy châu Âu muốn hạn chế sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Mỹ tại khu vực.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso phát biểu tại Bangkok (Thái Lan) trước thềm hội nghị ASEM 9: “Chúng tôi tin tưởng châu Á mỗi ngày càng có vai trò quan trọng nếu xét về khía cạnh phát triển kinh tế. Châu Âu là một trong những đối tác quan trọng nhất của châu Á về mặt đầu tư và thương mại. Chúng tôi muốn thảo luận về khả năng (tăng cường hợp tác) đầu tư và thương mại đồnt thời về những thách thức đối với sự ổn định và an ninh của khu vực châu Á”.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EU) Herman Van Rompuy là một trong những đại biểu tham dự ASEM 9 tại Lào.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel không tham dự mà cử ngoại trưởng Đức đi thay. Bà Merkel cảnh báo phải mất 5 năm nữa cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu mới qua đi.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario phát biểu 2 ngày trước thềm khai mạc ASEM 9: “Châu Âu nên hướng tới châu Á để hợp tác kinh tế rộng lớn hơn. Chúng tôi có thể mở ra nhiều khu vực đầu tư và thương mại cho châu Âu. Tôi cho rằng cơ hội có cả cho hai bên”.
Các nhà lãnh đạo châu Âu có thể sẽ vận động hành lang Thủ tướng Ôn Gia Bảo trích một phần trong quỹ dự trữ ngoại hối trị giá khoảng 3 nghìn tỉ USD của Trung Quốc – quỹ dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới – để đầu tư vào các quỹ cứu trợ của châu Âu.
Về phần mình, các nhà lãnh đạo châu Á được cho là sẽ gây sức ép thúc giục châu Âu hành động nhanh chóng để khống chế cuộc khủng hoảng nợ công.
Một số nước châu Á, trong đó có Philippines, muốn đưa vấn đề tranh chấp biển đảo vào chương trình nghị sự của ASEM 9 nhưng có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phản đối.
Ngoài ra, hội nghị cấp cao cũng sẽ bàn đến các vấn đề khác như tình hình Iran, Triều Tiên, Syria, khủng bố toàn cầu, biến đổi khí hậu và nạn cướp biển.