Kết thúc hội nghị kéo dài 2 ngày qua tại Mexico, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng của nhóm G20 thúc giục Mỹ và châu Âu nhanh chóng giải quyết những thách thức tài chính của Mỹ và cảnh báo những thách thức này có thể đe dọa đến tăng trưởng toàn cầu.
Ngoài ra, các quan chức tham dự hội nghị cam kết làm “tất cả những gì cần thiết” để thúc đẩy nền kinh tế thế giới, hạn chế sự mất ổn định của thị trường tài chính và tạo công ăn việc làm.
Hội nghị lần này tập trung vào cuộc khủng hoảng nợ công trong khối eurozone và “vách đá tài chính” tại Mỹ. Đề cập đến cái gọi là “vách đá tài chính” (hệ thống tự động cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế), tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde kêu gọi người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới cần nhanh chóng giải quyết vấn đề này, tránh làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Về vấn đề khủng hoảng nợ của châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Australia Wayne Swan cho rằng, nhiều đại diện tham dự hội nghị muốn thành viên các nước châu Âu loại bỏ những bất ổn về chính sách đang tác động đến đầu tư và tăng trưởng. Tuy nhiên, thông cáo báo chí chung tại hội nghị lần này cũng hoan nghênh những động thái gần đây của eurozone, như thành lập liên minh ngân hàng, kích hoạt bức tường lửa chống khủng hoảng trị giá 650 tỉ USD và triển khai chương trình mua trái phiếu chính phủ của các nước khó khăn.
Mặc dù vậy, eurozone vẫn còn những khó khăn đang hiện hữu trước mắt. Đó là Hy Lạp với thời hạn về thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng để tránh phá sản trong tháng 11 này và Tây Ban Nha đang chịu sức ép phải đề nghị cứu trợ trong bối cảnh suy thoái đẩy tỉ lệ thất nghiệp ở nước này lên đến 25%.
Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Luis de Guindos trình bày phác thảo kế hoạch cải cách lao động và ngân hàng, đồng thời cũng cho rằng Tây Ban Nha không cần các đối tác châu Âu cứu trợ. Trong khi đó, Hy Lạp đang trong giai đoạn đàm phán căng thẳng với Liên minh châu Âu (EU), IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về giải ngân khoản cứu trợ trị giá 31,5 tỉ euro để giúp nước này tránh nguy cơ phá sản.
Dự kiến, quốc hội Hy Lạp sẽ có cuộc bỏ phiếu quan trọng trong tuần này về kế hoạch thắt lưng buộc bụng mới theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế. Tuy nhiên, Athens cũng muốn bộ ba chủ nợ cho nước này thêm thời hạn 2 năm để thực thi các biện pháp tài chính. Đây là vấn đề gây chia rẽ trong các nước châu Âu.
|