|
Tổng thống Mỹ Barack Obama |
Tổng thống Obama tái đắc cử đồng nghĩa với việc ông có thể duy trì chiến lược chuyển trọng tâm đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà ông khởi động trong nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, những gì mà khu vực này nhận được có thể bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn tại Trung Đông và cuộc chiến ngân sách tại Washington.
Nhiều khả năng, nhiệm kỳ 2 của ông Obama sẽ tập trung nhiều hơn vào quan hệ kinh tế với châu Á. Mỹ đang trông chờ hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương với 11 nước trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc. Vào thời điểm mà Washington đang có sự chia rẽ về đảng phái, thì đây có thể là một điểm chung mà ông Obama có thể chia sẻ với các thành viên đảng Cộng Hòa. Dự kiến, ông Obama dự định tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Đông Á tại Campuchia vào cuối tháng này nhằm nhấn mạnh cam kết của ông đối với khu vực.
Chính phủ nhiều nước châu Á mong muốn ông Obama chiến thắng hơn là ông Mitt Romney vì các nước này ủng hộ chiến lược trọng tâm châu Á của chính quyền tổng thống Obama nhằm kiềm chế sự lớn mạnh và thái độ hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, các nước này cũng muốn Mỹ có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, nơi được coi là trung tâm của nền kinh tế châu Á, trong khi ông Romney lại có lập trường mang tính đối đầu hơn với Trung Quốc.
Walter Lohman, giám đốc trung tâm nghiên cứu châu Á thuộc tổ chức tư vấn Heritage Foundation, cho rằng, Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược lâu dài chủ yếu của Mỹ nhưng mối quan ngại trực tiếp trong chính sách đối ngoại của Mỹ lại là chương trình hạt nhân của Iran. Một cuộc xung đột tại đây có thể hút hết nguồn lực và gây trở ngại cho những gì mà chính quyền Mỹ muốn giành được ở nơi khác.
Chiến sự tại Syria cũng không có dấu hiệu thuyên giảm, tình hình an ninh tại Iraq vẫn chưa ổn định, còn tại Afghanistan, việc quân đội Mỹ rút quân vào năm 2014 có thể khiến nước này lâm vào một cuộc nội chiến và dẫn đến việc phiến quân Taliban chiếm thế chủ động.
Các vấn đề chính trị trong nước cũng có thể cản trở chính quyền ông Obama tập trung vào châu Á. Thách thức chính hiện nay của tổng thống Obama là giải quyết nợ công mà các nhà kinh tế học cho rằng vấn đề này có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới này trở lại thời kỳ suy thoái.
Ngay cả trước khi ông Obama có bài phát biểu nhậm chức thứ 2 vào ngày 20.1.2013, thì ông phải đạt được một thỏa thuận về ngân sách với đảng Cộng Hòa, nhằm xóa bỏ nguy cơ “vách đá tài chính”, một hoạt động cắt giảm chi tiêu và tăng thuế sẽ có hiệu lực vào đầu năm sau.
Hoạt động này cũng bao gồm việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng trị giá gần 500 tỉ USD, ảnh hưởng đến kế hoạch dành nhiều nguồn lực quân sự hơn cho châu Á – Thái Bình Dương, nơi sự lớn mạnh của Trung Quốc đang đe dọa vị thế của Mỹ trong khu vực này.
Cách đây 2 năm, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Mỹ có lợi ích quốc gia trong giải pháp hòa bình cho Biển Đông. Ngoài ra, Washington cũng ủng hộ nỗ lực của các quốc gia Đông Nam Á về thương lượng đa phương với Trung Quốc. Điều này khiến Bắc Kinh tức giận và việc kiểm soát những căng thẳng ngoại giao này sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong nhiệm kỳ 2 của ông Obama..
Liệu chính sách châu Á của Mỹ có nhận được sự quan tâm như trong nhiệm kỳ đầu của tổng thống Obama hay không còn phụ thuộc một phần vào người kế nhiệm bà Hillary Clinton. Khi còn đương nhiệm, bà Clinton có hàng loạt chuyến thăm khu vực này và bảo vệ quan điểm về lợi ích của Mỹ trong các mối quan hệ với châu Á.
|