Một liên minh 46 nước đang phát triển do Ấn Độ dẫn đầu vừa đề nghị thay đổi các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về hạn chế trợ cấp dự trữ lương thực nhằm hỗ trợ nông dân nghèo.
Đề xuất của nhóm các nước đang phát triển G33 – trong đó có Trung Quốc, Indonesia, Pakistan và Zimbabwe – một lần nữa nhắc đến sáng kiến từng được đề cập trong vòng đàm phán Doha bị đổ vỡ hồi năm ngoái.
Sáng kiến này kêu gọi sửa đổi Thỏa thuận nông nghiệp của WTO, văn kiện có nội dung bắt buộc tất cả 157 nước thành viên WTO phải hạn chế trợ cấp cho ngành nông nghiệp trong nước nhằm tránh cạnh tranh không lành mạnh.
Để đo lường mức độ trợ cấp, WTO đưa ra chỉ số Tổng lượng hỗ trợ (AMS).
G33 đề nghị: “Không nên áp chỉ số AMS đối với hoạt động thu mua lương thực dự trữ của các nước đang phát triển là thành viên WTO nhằm mục tiêu hỗ trợ nông dân thu nhập thấp hoặc người sản xuất nông nghiệp nghèo tài nguyên”.
Nói cách khác, các nước phát triển có thể thu mua lương thực của nông dân nghèo để nhập kho dự trữ mà không phải báo cáo về giá trợ cấp như một phần quy định của AMS.
Đề xuất của G33 được gửi đến các nước thành viên WTO vào ngày 13.11 vừa qua. Dự kiến, 157 nước thành viên WTO sẽ thảo luận về đề xuất này trong một cuộc họp kín vào ngày mai (16.11). Thông thường, việc sửa đổi các điều luật của WTO đòi hỏi sự nhất trí của toàn bộ 157 nước thành viên. Nhiều năm qua, có rất ít điều luật của WTO được sửa đổi; nhiều ý tưởng cải cách tổ chức này bị bác bỏ trong quá trình đàm phán. Hiện chưa rõ đề xuất của G33 có bao nhiêu phần trăm cơ may được thông qua.
|