Hôm nay (15.11), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (ảnh) viếng thăm Thái Lan, mở đầu chuyến công du châu Á kéo dài 1 tuần của ông này nhằm thắt chặt quan hệ an ninh quốc phòng giữa Mỹ với khu vực này.
Dự kiến, tại Bangkok (Thái Lan), ông Panetta sẽ bàn về kế hoạch của Washington về tái lập quan hệ quân sự với Myanmar lần đầu tiên kể từ thập niên 80 của thế kỷ trước.
Trước khi đến Thái Lan, bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã tham dự một cuộc đàm phán chiến lược thường niên với Australia tại thành phố Perth, nơi hai bên dự định triển khai một kính thiên văn và một trạm radar tân tiến của lực lượng không quân Mỹ.
Chuyến thăm Thái Lan của ông Panetta lần này đánh dấu cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa bộ trưởng quốc phòng Mỹ và người đồng cấp Thái Lan kể từ năm 2008; là chuyến đi tiền trạm chuẩn bị cho chuyến công du của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới 3 nước Thái Lan, Campuchia và Myanmar vào tuần sau.
Washington và Bangkok có quan hệ quân sự khá lâu dài, từ thời chiến tranh liên Triều. Tuy nhiên, giới chức quốc phòng Mỹ cho biết, Lầu Năm góc muốn khôi phục đối thoại mang tính chiến lược hơn với Thái Lan để nâng cao quan hệ còn ở mức thấp của các đơn vị quân sự hai bên.
Mỹ từng hoãn viện trợ quân sự cho Thái Lan sau sự kiện đảo chính năm 2006 nhưng sau cuộc bầu cử tại Thái Lan vào tháng 12.2007 thì nối lại.
Tình hình bất ổn chính trị tại Thái Lan làm giảm tầm quan trọng của nước này đối với chính sách chuyển trọng tâm sang châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng của Washington. Dù vậy, các căn cứ không quân và cảng biển của Thái vẫn đóng vai trò trọng yếu trong mạng lưới hậu cần của quân đội Mỹ tại châu Á. Lầu Năm góc vẫn tiếp tục duy trì hàng chục cuộc tập trận với quân đội Thái Lan hàng năm, trong đó có cuộc tập trận Hổ mang vàng thường niên với sự tham gia của gần 13.000 quân đến từ 24 nước vào năm ngoái.
Trước sự thúc giục của Bangkok, Washington dự kiến sẽ mời Myanmar tham dự cuộc tập trận trên vào năm sau với tư cách là quan sát viên.
Ngày mai, ông Panetta sẽ bay sang Campuchia để tham dự một cuộc họp với bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Chương trình nghị sự của cuộc họp này dự kiến sẽ tập trung vào 2 vấn đề chính là tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông và tình hình bạo loạn tôn giáo tại Myanmar.
|