Nếu chúng ta không hành động ngay lúc này, nhiệt độ Trái Đất có thể tăng 4 độ C vào năm 2060, khiến nước biển dâng thêm 2m và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các thành phố ven biển cũng như người dân nghèo, Ngân hàng thế giới (WB) hôm 18.11 cảnh báo.
Phát biểu tại hội nghị kêu gọi hành động vì khí hậu Trái Đất, Chủ tịch WB Jim Yong Kim thúc giục thế giới, đặc biệt các nước đang phát triển, nhanh chóng thực hiện những nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính.
“Thời gian còn rất rất ít để chúng ta giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Chúng ta sẽ không bao giờ giải quyết được bài toán đói nghèo nếu không đối phó với biến đổi khí hậu. Đó là một trong những thách thức lớn nhất đối với việc đảm bảo an sinh xã hội công bằng trong thời đại hiện nay”, ông nói.
Theo nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam có trụ sở tại Đức, nhiệt độ của Trái Đất có thể tăng lên 4 độ C vào đầu năm 2060 nếu cam kết của chính phủ về chống biến đổi khí hậu không được thực thi. Thậm chí ngay cả khi cam kết của các chính phủ được thực thi đầy đủ, nhiệt độ vẫn có khả năng tăng lên 3 độ C. Hiện mọi nỗ lực do LHQ đi đầu cam kết hạn chế nhiệt độ Trái Đất không quá mức 2 độ C.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhiệt độ toàn cầu trong thời gian qua đã tăng khoảng 0,8 độ C, kèm theo hiện tượng thời tiết nóng kỷ lục và thiên tai thảm họa liên tục xảy ra gây thiệt hại lớn, gần đây nhất là cơn bão Sandy đã tàn phá Haiti và Bờ Đông nước Mỹ.
Nếu nhiệt độ tăng lên 4 độ C, nhiều khu vực sẽ phải chịu nhiều tác động khác nhau - chẳng hạn như: những đợt nắng nóng tại Nga sẽ trở nên phổ biến hơn, nhiệt độ ở Địa Trung Hải có thể tăng lên 9 độ C so với mức hiện tại. Ngoài ra, nhiệt độ toàn cầu tăng cũng khiến nồng độ axit tại các đại dương tăng bất thường, đe dọa đến sự sinh tồn của các rặng san hô và tàn phá môi trường sinh thái.
Nhiệt độ tăng cũng khiến nước biển dâng cao, đe dọa nhiều thành phố và quốc gia trên thế giới, như: Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Madagascar, Mexico, Mozambique, Philippines, Venezuela và Việt Nam, nghiên cứu cho biết.
Những quốc gia sinh sống tại những vùng đất thấp, như Bangladesh, Ai Cập, Việt Nam và nhiều nơi ở dọc theo bờ biển châu Phi có nguy cơ bị tác động lớn tới sản xuất lương thực, trong khi hạn hán khắc nghiệt tán phá nông nghiệp ở những quốc gia khác. Lũ lụt cũng làm ô nhiễm nguồn nước uống, gia tăng nguy cơ bệnh tật, chặng hạn như bệnh tiêu chảy.
Hơn 190 nước Công ước khung về Biến đổi khí hậu của LHQ sẽ tiến hành cuộc đàm phán mới nhất vào ngày 26.11 tới tại Qatar.
|