|
Toàn cảnh nhà máy tách nước nặng ở Arak, phía tây của Iran. |
Hôm nay (21.11), 6 cường quốc phương Tây bắt đầu nhóm họp tại thủ đô Brussels (Bỉ), bàn về khả năng nối lại vòng đàm phán mới với Iran. Động thái trên là nỗ lực mới nhất của phương Tây nhằm giải quyết căng thẳng kéo dài nhiều năm qua xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.
Sau khi tái đắc cử hồi tháng 11 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mở đường cho vòng đàm phán mới và các nhà ngoại giao phương Tây hy vọng đàm phán sẽ sớm được nối lại trong bối cảnh có nhiều thông tin cho rằng Iran vẫn đang tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân.
Tuy nhiên, cơ hội cho giải pháp ngoại giao xem ra không lớn do những lo ngại ngày càng gia tăng của Israel về chương trình hạt nhân của Iran khiến nước này cảnh báo sẽ tấn công phủ đầu các cơ sở hạt nhân của Tehran.
Theo giới phân tích, bất kì cuộc tấn công nào của Israel đều có thể khơi mào cho một cuộc chiến mới tại Trung Đông. Tuy nhiên, Israel không thể tấn công Iran vào trước thời điểm tổng tuyển cử vào ngày 22.1.2013, vì vậy các cường quốc còn một số cơ hội để xúc tiến giải pháp ngoại giao.
Với mong muốn phá vỡ thế bế tắc và bất chấp những hoài nghi về một thỏa thuận có thể đạt được với Iran, các cường quốc phương Tây, bao gồm: Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ đang cố gắng điều chỉnh chiến lược của mình sau 3 vòng đàm phán liên tiếp thất bại trong năm nay. Kế hoạch dự kiến sẽ được đưa ra tại cuộc đàm phán mới, có khả năng tổ chức trong những tháng tới tại Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Iran vẫn luôn bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng nước này đang theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân, đồng thời từ chối thực hiện những yêu cầu về việc cắt giảm các hoạt động hạt nhân của họ. Tehran đề nghị phương Tây nới lỏng các lệnh cấm vận nhằm vào nước này.
Tại các vòng đàm phán trước, các cường quốc phương Tây đã từ chối đề nghị này nhưng thay vào đó họ muốn hỗ trợ Iran về mặt kỹ thuật hạt nhân. Các cường quốc cũng đã tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích gây sức ép để Iran, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, quay trở lại bàn đàm phán.
|