Tòa án tối cao Ai Cập đóng cửa vì người biểu tình
13:28', 3/12/ 2012 (GMT+7)

Lực lượng ủng hộ Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi biểu tình bên ngoài trụ sở Tòa án Hiến pháp Tối cao tại Maadi, phía Nam thủ đô Cairo ngày 2.12.2012. Ảnh: Reuters

Ngày 2.12, người biểu tình theo đạo Hồi ủng hộ Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi đã buộc tòa án tối cao nước này đóng cửa vô thời hạn, làm căng thẳng thêm xung đột giữa tổng thống và cơ quan tư pháp cao nhất Ai Cập.

Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập thông báo sẽ không mở cửa cho đến khi các thẩm phán có thể làm việc trở lại mà không phải chịu bất kỳ “sức ép tâm lý hay thể chất nào”. Trước đó, người biểu tình ủng hộ ông Mursi đã chặn không cho các thẩm phán đến trụ sở tòa án để làm việc.

Vài trăm người ủng hộ tổng thống đã biểu tình bên ngoài trụ sở tòa án suốt đêm 2.12, tức trước khi diễn ra một cuộc họp nhằm xem xét tính hợp pháp của thượng viện và Hội đồng lập hiến – cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo hiến pháp mới cho đất nước. Lực lượng Hồi giáo hiện kiểm soát cả thượng viện lẫn Hội đồng lập hiến.

Ngày 22.11 vừa qua, ông Mursi ban hành một sắc lệnh tạm thời mở rộng quyền hạn của ông này cho đến khi Ai Cập có hiến pháp mới. Điều này làm dấy lên làn sóng biểu tình trên toàn quốc chống lại tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập hậu Mùa xuân Arab và nhóm Huynh đệ Hồi giáo.

Quyết định tạm ngừng hoạt động vô thời hạn nói trên của Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập có thể không ảnh hưởng lập tức đến nỗ lực của ông Mursi trong việc thúc đẩy thông qua hiến pháp mới trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 15.12 tới.

Các thẩm phán có trách nhiệm giám sát việc bỏ phiếu tại Ai Cập và ông Mursi cần họ giám sát cuộc trưng cầu dân ý nói trên.

Ngày 2.11, Câu lạc bộ thẩm phán – tổ chức đại diện cho giới thẩm phán Ai Cập và có nhiều ảnh hưởng đến giới này – tuyên bố sẽ không giám sát cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, Câu lạc bộ thẩm phán không bắt buộc các thành viên phải tuân theo quyết định của mình.

Phó Tổng thống Ai Cập Mahmoud Mekky bày tỏ tin tưởng các thẩm phán sẽ thực hiện vai trò của mình bất chấp lực lượng phản đối ông Mursi kêu gọi ngành tư pháp Ai Cập tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý ngày 15.2.

Kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình ủng hộ lẫn chống đối sắc lệnh của ông Mursi, ít nhất 3 người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Ngày 1.12, khoảng 200.000 người ủng hộ ông Mursi tuần hành tại Đại học Cairo trong khi lực lượng phản đối biểu tình ngồi vô thời hạn tại Quảng trường Tahrir, cái nôi của làn sóng nổi dậy từng làm sụp đổ chế độ của cựu Tổng thống Hosni Mubarak vào tháng 2.2011.

Phe phản đối ông Mursi kêu gọi tiếp tục biểu tình tại Quảng trường Tahrir vào ngày 4.12 để tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý về “hiến pháp không hợp pháp”.

  • Tố Uyên (Theo Reuters)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
NATO muốn cải thiện quan hệ với Nga  (03/12/2012)
Hamas, Ai Cập tìm cách nới lỏng trừng phạt tại Gaza  (03/12/2012)
Đánh bom xe ở Syria làm gần 40 người thương vong  (03/12/2012)
Tây Ban Nha có thể không hoàn thành mục tiêu giảm thâm hụt công 2012  (03/12/2012)
Hy Lạp sa thải 4 quan chức quân đội  (02/12/2012)
Campuchia: Sập công trình đập thủy điện  (02/12/2012)
Palestine ra điều kiện để nối lại hòa đàm với Israel  (02/12/2012)
Căn cứ quân sự Mỹ ở Afghanistan bị tấn công, 12 người chết  (02/12/2012)
Trung Quốc: Ngập lụt mỏ than, 16 người mắc kẹt  (02/12/2012)
Thông điệp nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS   (01/12/2012)
Thượng viện Mỹ cam kết ủng hộ Nhật "vụ Senkaku"  (01/12/2012)
NATO mở căn cứ quân sự mới ở phía tây Thổ Nhĩ Kỳ  (01/12/2012)
Tổng thư ký ASEAN: Trung Quốc làm leo thang tình hình căng thẳng Biển Đông  (30/11/2012)
Giá thực phẩm thế giới hạ nhiệt  (30/11/2012)
Hội đồng Lập hiến Ai Cập thông qua dự thảo Hiến pháp mới  (30/11/2012)