|
Toàn cảnh Hội nghị Xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch khu vực Tam giác phát triển CLV |
Sáng nay, 5.12, tại thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đã diễn ra Hội nghị Xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV). Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo Hội đồng Phát triển Campuchia, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, cùng đông đảo doanh nghiệp của 3 nước.
Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam là khu vực có vị trí chiến lược trong quan hệ hợp tác phát triển kinh tế nói chung giữa 3 nước, đồng thời là khu vực đang được Chính phủ 3 nước đặt nhiều quan tâm và có những hành động cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển. Trong những năm qua, tình hình hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp 3 nước đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.
Hiện Việt Nam có 120 dự án đầu tư sang Campuchia, với tổng vốn đầu tư là 2,64 tỷ USD. Trong đó, có 25 dự án đầu tư nằm trong khu vực Tam giác phát triển thuộc Campuchia, với tổng vốn đầu tư là 1,44 tỷ USD (chiếm 20,8% số dự án và 54,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Việt Nam sang Campuchia). Phần lớn các dự án này tập trung vào lĩnh vực trồng cây công nghiệp, còn lại là các dự án trong lĩnh vực xây dựng, khai khoáng và thuỷ điện.
Tại Lào, hiện Việt Nam có 222 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,6 tỷ USD. Trong đó, có 50 dự án đầu tư vào khu vực Tam giác phát triển CLV thuộc Lào, với 1,65 tỷ USD (chiếm 23% tổng số dự án và 48% tổng vốn đầu tư Việt Nam vào Lào). Các dự án tập trung chủ yếu vào các ngành nông lâm nghiệp, khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, còn lại là sản xuất điện, xây dựng, kinh doanh khách sạn…
Tại 5 tỉnh của Việt Nam thuộc khu vực Tam giác phát triển (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước), hiện có 129 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỷ USD. Trong đó, Lào có 5 dự án đầu tư vào vùng này, với tổng vốn đầu tư đăng ký 77,2 triệu USD; Campuchia có 2 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 18,2 triệu USD.
Theo nhận định, mặc dù đã đạt được một số kết quả thu hút đầu tư đáng khích lệ, song chưa thật sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, cũng như mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa 3 nước. Những tồn tại được nhìn nhận là rào cản, như: cơ sở hạ tầng đã được nâng cấp nhưng vẫn còn yếu kém hơn so với các khu vực khác; chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư…
Tại Hội nghị, đại diện cho phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng, trong thời gian tới, các bộ, ngành hữu quan của 3 nước cần đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh; các chính sách liên quan đến thuế, hải quan, lao động; các thủ tục hành chính liên quan đến các hoạt động cấp phép đầu tư, kinh doanh, bảo đảm tính minh bạch, đồng bộ và thống nhất từ trung ương đến địa phương nhằm giảm thời gian, chi phí cho các nhà đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cần được Chính phủ 3 nước ưu tiên đầu tư và có chính sách đặc biệt ưu đãi, để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đặc biệt, cơ chế phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan của Chính phủ các nước, cũng như cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong khu vực Tam giác phát triển cần được duy trì thường xuyên để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
. Theo SGGP |