Sau nhiều năm đấu tranh với về các vấn đề liên quan đến thương mại, giới chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc quay sang ký kết hiệp định tự do thương mại (FTA) lớn nhất thế giới để thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ của mình.
Tiến trình đàm phán mới ở giai đoạn sơ khởi và chắc chắn sẽ có nhiều trở ngại lớn như quan điểm khác biệt sâu sắc giữa 2 bên về nông nghiệp, an toàn thực phẩm và đạo luật liên quan đến biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao Mỹ và EU đều bày tỏ mong muốn đạt được FTA.
Tháng trước, trong một bài diễn văn nói về quan hệ xuyên Đại Tây Dương của Mỹ, Ngoại trưởng nước này Hillary Clinton phát tín hiệu chính quyền của Tổng thống Barack Obama quan tâm đến khả năng ký kết FTA với EU bởi nó giúp tạo thêm công ăn việc làm, mang lại hàng trăm tỉ đô la cho nền kinh tế và giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Thái độ quan tâm nói trên của Washington phần nào gây ngạc nhiên. Kể từ khi đạt được Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ với Mexico và Canada vào năm 1994 đến nay, các nhà đàm phán tự do thương mại Mỹ vẫn luôn giữ lập trường cứng rắn. Các dự thảo FTA ngày càng khó được thông qua tại quốc hội Mỹ trong bối cảnh luôn vấp phải sự phản đối của các tổ chức công đoàn. Mỹ chỉ vừa đạt được FTA với một vài nước như Peru và Hàn Quốc.
Vài năm trở lại đây, nỗ lực đàm phán của hơn 150 nước thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) nhằm hạ thấp hơn nữa hàng rào thuế quan rơi vào bế tắc, một phần vì bất đồng giữa Mỹ và EU.
Hai bên sẽ phải đối mặt với một loạt vấn đề khác biệt quan điểm, trước hết là tranh cãi đang diễn ra xung quanh chương trình mua bán hạn ngạch khí thải cacbon của EU và sự phản đối của các tổ chức công đoàn Mỹ vì lo ngại công nhân Mỹ sẽ bị bất lợi trên thị trường lao động.
|