|
Thông tin về vụ phóng tên lửa được thông báo trên đài truyền hình nhà nước Triều Tiên. |
Hôm nay (12.12), hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận, CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) đã phóng thành công tên lửa tầm xa 3 tầng Unha-3 mang theo vệ tinh của nước này đi vào quỹ đạo. Tuy nhiên, Nhật Bản, Mỹ và các nước đồng minh khác cho rằng đây là một vụ thử tên lửa trá hình, dẫn tới những phản ứng gay gắt của cộng động quốc tế cũng như kêu gọi HĐBA LHQ có những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào Triều Tiên.
Theo thông báo của KCNA, Triều Tiên đã thành công trong việc đưa vệ tinh quan sát Trái Đất vào quỹ đạo. “Vụ phóng tên lửa thành công là một sự kiện gây chấn động đối với sự phát triển các thành tựu khoa học kỹ thuật và kinh tế của đất nước”.
Mỹ xác nhận “một vật thể đã được đưa vào quỹ đạo”.
Ngay sau thông tin trên, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, gọi đây là một “hành động khiêu khích” vi phạm trắng trợn các nghị quyết 1718 và 1874 của Hội đồng bảo an LHQ cũng như coi thường lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế.
“Tổng thư ký rất lo ngại về hậu quả tiêu cực mà hành động khiêu khích này gây ra đối với hòa bình và ổn định của khu vực”. HĐBA LHQ sẽ họp thảo luận về vụ phóng này vào cuối ngày hôm nay, ngôn viên LHQ Martin Nesirky cho biết.
Nhà Trắng gọi vụ phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên là hành động khiêu khích nghiêm trọng đe dọa tới an ninh khu vực.
“Vụ phóng là một điển hình mới đối với thái độ vô trách nhiệm của Triều Tiên”, phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia tại Nhà Trắng Tommy Vietor cho biết. Mỹ cùng các nước khác và HĐBA sẽ có “hành động thích đáng” nhằm vào Triều Tiên.
Cùng ngày, các cường quốc lớn như Trung Quốc, Nga, Mỹ và Ấn Độ cũng lên tiếng về sự việc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này “lấy làm tiếc” về vụ phóng của Triều Tiên. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lối, “Giống như các nước khác, Triều Tiên có quyền tiến hành khám phá không gian vì mục đích hòa bình. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cũng nên tuân thủ các nghị quyết của HĐBA về việc yêu cầu Triều Tiên không tiến hành bất kì vụ phóng tên lửa nào sử dụng kỹ thuật tên lửa đạn đạo. Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên ngừng ngay mọi hành động có liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo”.
Vài giờ sau vụ phóng, báo chí Trung Quốc cũng kêu gọi sớm nối lại các cuộc hội đàm 6 bên nhằm giải quyết những tranh cãi xung quanh chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Nga cũng bày tỏ “hết sức lấy làm tiếc” về vụ phóng của Triều Tiên, cho rằng động thái này sẽ gây “tác động tiêu cực” tới tình hình địa chính trị trong khu vực. Tuy nhiên, Nga cũng kêu gọi các bên tránh hành động làm gia tăng căng thẳng.
Ấn Độ cũng đã lên án vụ phóng của Triều Tiên.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên đã phớt lờ những cảnh báo và yêu cầu của cộng đồng quốc tế kêu gọi nước này hoãn vụ phóng. Triều Tiên nên chịu trách nhiệm về vụ phóng sau khi HĐBA đã cảnh báo nước này trong tuyên bố hồi tháng 4.
Phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết, Tokyo vô cùng hối tiếc về việc Triều Tiên phóng vệ tinh bất chấp lời kêu gọi kìm chế căng thẳng. “Nước chúng tôi sẽ không dung thứ cho hành động này. Chúng tôi kịch liệt phản đối Triều Tiên”.
Hiện chính quyền Tokyo vẫn đang xác định xem liệu vụ phóng tên lửa của Triều Tiên có gây ra bất kì thiệt hại nào cho Nhật Bản hay không.
Trong bản tuyên bố ra hôm 12.12, Ngoại trưởng Anh William Hague khẳng định, chính quyền London rất lấy làm tiếc trước vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Anh đã triệu Đại sứ Triều Tiên tại London tới cơ quan ngoại giao của nước này để tiến hành tham vấn.
Đây là vụ phóng tên lửa tầm xa thứ hai của Triểu Tiên, sau lần thất bại hồi tháng 4. Vụ phóng Vụ phóng được thực hiện chỉ vài ngày trước lễ tưởng niệm 1 năm ngày mất của cố Chủ tịch Kim Jong-il. Hãng Yonhap dẫn lời các quan chức Nhật Bản cho biết, các mảnh vỡ của tên lửa đã rơi xuống vùng biển ngoài khơi Philippines khoảng 10 giờ 5 phút sáng nay, sau khi bay qua Okinawa. Trước đó, tầng thứ nhất của tên lửa đã rơi xuống Hoàng Hải.
|