|
Phút giây hội ngộ của hai mẹ con vốn bị chia cắt do chính sách con nuôi ép buộc. |
Chính phủ Australia hôm nay (19.12) thông báo, Thủ tướng Julia Gillard sẽ đưa ra lời xin lỗi chính thức tới hàng chục ngàn người bị ảnh hưởng bởi chính sách con nuôi ép buộc giai đoạn 1950-1970.
Tổng chưởng lý Australia Nicola Roxon khẳng định, lời xin lỗi sẽ được Thủ tướng Gillard chính thức đưa ra tại tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Canberra vào ngày 21.3.2013.
“Chính phủ thừa nhận nỗi đau và áp lực của những người bị ảnh hưởng bởi chính sách trên. Lời xin lỗi với tư cách là đại diện của quốc gia sẽ là một việc làm có thiết thực giúp hàn gắn vết thương của các nạn nhân”, bà Roxon nói.
Quyết định xin lỗi của chính phủ được đưa ra sau một cuộc điều tra của Thượng viện phát hiện có tới 225.000 trẻ em bị buộc phải rời xa mẹ, phần lớn mẹ của những đứa trẻ này khi đó vẫn còn trẻ và chưa kết hôn.
Cuộc điều tra được tiến hành trong 18 tháng và nhận được hàng trăm tường trình. Nhiều bà mẹ cho biết, họ đã bị ép buộc để cho con từ năm 1951-1975 ở Australia. Dưới áp lực xã hội, những người mẹ trẻ thời đó thường bị cho uống thuốc ngủ và quản thúc tại gia đình, hoặc sống trong những ngôi nhà chung tại nhà thờ hay các tổ chức tôn giáo, trước khi đồng ý cho con nuôi.
Những đứa trẻ thường được ký cho làm con nuôi trước khi chúng sinh ra. Nhiều trường hợp, những đứa trẻ được nhận làm con nuôi có giấy chứng sinh mang tên của cả cha mẹ nuôi.
Bà Roxon cho rằng, chính sách này đã đem lại nỗi buồn đau và mất mát to lớn không chỉ đối với những bà mẹ bị mất con mà còn đối với những đứa trẻ, ông bố và những thành viên khác của gia đình ruột lẫn gia đình nhận con nuôi.
“Chúng tôi hy vọng lời xin lỗi của chính phủ sẽ giúp thừa nhận nỗi đau và giúp các gia đình hàn gắn vết thương”, bà nói.
Trước đó, các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Australia, gồm: Tasmania, Queensland và Victoria cũng đã xin lỗi gia đình các nạn nhân.
|