|
Chợ nổi - hình thức du lịch phổ biến ở các nước trong khu vực sông Mekong. |
Ngày 4.9, sau 2 ngày làm việc của các quan chức cấp cao tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ), Hội nghị khu vực sông Mekong - sông Hằng (MGC) lần thứ 6 đã kết thúc với việc thông qua Tuyên bố chung, trong đó nhắc lại các tinh thần ghi trong Tuyên bố Viêng Chăn, Chương trình hành động Hà Nội và Lộ trình Phnom Penh về việc triển khai thực hiện những mục tiêu được MGC nhất trí trước đó.
Tăng cường hợp tác khu vực
Hội nghị tái khẳng định ý nghĩa quan trọng của sáng kiến MGC và tầm quan trọng của các mối liên kết văn hóa, thương mại giữa các nước thành viên trong nhiều năm qua. Hội nghị cũng nhất trí thúc đẩy quan hệ đối tác trong các lĩnh vực phát triển, tăng trưởng kinh tế và mang lại phúc lợi cho người dân. Hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai các dự án nhỏ mang lại những lợi ích trực tiếp và thiết thực cho các cộng đồng thiểu số; đồng thời hoan nghênh việc thành lập các dự án mang lại ảnh hưởng nhanh giữa Ấn Độ với 4 nước hạ nguồn sông Mekong là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Hội nghị đánh giá cao việc hoàn tất xây dựng Viện Bảo tàng dệt may truyền thống châu Á MGC tại Siem Reap của Campuchia hồi tháng 12.2011 với sự hỗ trợ tài chính của Ấn Độ. Hội nghị cũng hoan nghênh Ấn Độ và Thái Lan đã hợp tác khôi phục và bảo tồn các di sản thế giới ở các nước MGC, ghi nhận những phát triển trong dự án xây dựng đường cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan và những dự án hợp tác khác đang được triển khai trong khuôn khổ chương trình Kết nối Ấn Độ - ASEAN.
Về tầm quan trọng của việc kết nối giữa các thành viên MGC và lợi ích của sự kết nối này, hội nghị nhất trí nhanh chóng triển khai mở rộng tuyến cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan tới Campuchia, Lào. Hội nghị cũng đưa ra đề nghị về phát triển đường cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Lào - Việt Nam - Campuchia.
Ấn Độ thắt chặt quan hệ với Đông Nam Á
Về phương hướng hoạt động trong tương lai, hội nghị thảo luận những lĩnh vực hợp tác mới gồm: cân nhắc thành lập một nhóm nghiên cứu y tế thích hợp với khu vực, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn về kiểm soát dịch bệnh; cân nhắc thành lập nhóm làm việc về hợp tác giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME); triển khai những dự án có tác dụng nhanh như tiếng Anh hội nhập; phát triển doanh nghiệp và các chương trình đào tạo hướng nghiệp; gợi ý về sự hợp tác trong tương lai đối với các cơ chế xây dựng và chia sẻ kinh nghiệm phát triển; hợp tác đa dạng sinh thái; hợp tác về sản xuất lúa gạo; thành lập một trung tâm nguồn lưu trữ chung tại Trường Đại học Nalanda thuộc bang Bihar, Ấn Độ. Theo giới quan sát, cho đến nay, Ấn Độ vẫn chưa tận dụng hết lợi thế của sáng kiến MGC 12 tuổi này bởi các vấn đề sơ bộ liên quan đến sự thiếu kết nối đường sắt, đường bộ và đường không đã cản trở nhiều cho việc thực thi sáng kiến trên của các nước. Tuy nhiên, tờ The Diplomat ngày 4-9 nhận định: “Trong khi các phương tiện truyền thông tập trung vào chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Indonesia nhằm tăng cường ảnh hưởng với ASEAN, thì Ấn Độ lặng lẽ thắt chặt mối quan hệ chiến lược với khu vực Đông Nam Á bằng cách tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng của MGC”.
Sáng kiến MGC đã trao cho Ấn Độ cơ hội tuyệt vời để cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc, tranh giành ảnh hưởng với các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan. Nói cách khác, các nhà lãnh đạo Ấn Độ đang nỗ lực giành thế chủ động kết nối với nhóm MGC nhằm tăng cường sự hiện diện của New Delhi ở khu vực mà Bắc Kinh đang tập trung tầm ảnh hưởng.
. Theo SGGPO |