|
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thăm 1 trong 4 hòn đảo thuộc chuỗi đảo tranh chấp Kuril giữa Nhật Bản và Nga hồi tháng 7.2012 |
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda dự kiến sẽ nêu vấn đề tranh chấp 4 hòn đảo thuộc chuỗi đảo Kuril trong cuộc gặp với tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra tại thành phố Vladivostok vào cuối tuần này, bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC.
Các nhà lập pháp Tokyo coi đây có thể là một cơ hội để giải quyết vấn đề vốn gây tổn hại đến quan hệ song phương trong 6 thập kỷ qua, nhất là trong bối cảnh sự lớn mạnh của Trung Quốc càng thúc giục hai nước phải thắt chặt thêm mối quan hệ. Ngoài ra, sau khi trở lại chiếc ghế tổng thống, ông Putin cũng đánh tiếng sẵn sàng thỏa hiệp với Tokyo và Nhật Bản cũng nhận ra rằng nước này có thể cũng phải có sự nhượng bộ trong tranh chấp này.
Về vấn đề này, Nhật muốn Nga trả lại bốn hòn đảo ở phía nam của chuỗi đảo Kuril mà quân đội Liên Xô đã chiếm đóng vào thời kỳ cuối chiến tranh năm 1945, và tuyên bố rằng đó thuộc lãnh thổ của Nhật (Nhật gọi là Lãnh thổ phương Bắc). Trong khi đó, theo thỏa thuận ký kết năm 1956, Nga cam kết chỉ trả lại hai hòn đảo nhỏ nhất. Mới đây, tranh chấp này lại được thổi bùng lên, sau khi thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thăm 1 trong 4 hòn đảo trên hồi tháng 7 vừa qua.
Các quan chức Nhật Bản cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến Nhật phải hướng chính sách về Nga, trong đó những thay đổi đầu tiên sẽ tập trung vào lĩnh vực an ninh.
Hồi năm 2010, các chuyên gia của Nhật Bản, Nga và Mỹ tiến hành các cuộc đối thoại “Track II” để thảo luận về hợp tác an ninh ở đông bắc Á, trong đó có vấn đề về sự lớn mạnh về kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Năm tới, vòng đối thoại này sẽ được nâng cấp với sự tham gia của các quan chức chính phủ.
Những dấu hiệu làm ấm quan hệ song phương cũng đến từ Nga, khi nước này tìm cách phát triển vùng Viễn Đông nhằm đối phó với mối đe dọa an ninh tiềm tàng từ Trung Quốc, nước láng giềng phía nam của Nga. Các nhà phân tích cho rằng, Nga đang lo ngại vùng Viễn Đông có thể trở thành một phần của phạm vi chịu ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, do số người Trung Quốc nhập cư ở đây đang tăng mạnh.
Ông Putin cũng được cho là quan tâm sâu sắc đến việc thắt chặt quan hệ với Nhật Bản như là một cách để tăng cường hợp tác kỹ thuật và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên chung.
Về phía Nhật Bản, các dự án liên quan đến tài nguyên trong khu vực ngày càng có tầm quan trọng hơn, trong bối cảnh nước này phải phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt tự nhiên để thay thế điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima Daiichi.
Trong buổi họp báo hôm 5.9, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu, Nga sẵn sàng thương lượng về vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và kêu gọi cả hai cần có sự thỏa hiệp.
Tuy nhiên, mặt khác, một số chính trị gia Nhật Bản coi sự thiếu tính ổn định trong lãnh đạo chính trị là một phần của vấn đề này. Nga vẫn chỉ có 3 tổng thống trong 20 năm qua, trong khi Nhật đã thay đổi đến 14 nhà lãnh đạo và sắp tới có thể sẽ có thủ tướng mới vì nhiều khả năng thủ tướng Noda sẽ không còn nắm quyền sau cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra trong mấy tháng tới.
Nhận ra việc cần thiết phải đáp ứng cách tiếp cận song phương đối với vấn đề này trong khi nhân sự của chính phủ Nhật lại không ổn định, mới đây ông Noda chọn cựu thủ tướng Yoshiro Mori là đặc phái viên tại Moscow.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal, ngoại trưởng Nhật Bản Gemba nói: “Sẽ là lý tưởng nếu lãnh đạo hai nước có thời gian làm việc đủ lâu để tạo được sự tin tưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, nếu không có điều kiện đó, thì các bên cần tạo ra một môi trường để đảm bảo rằng các cuộc thương lượng sẽ vẫn tiến triển.”
|