|
Các cuộc biểu tình chống Nhật đã lan rộng khắp 85 thành phố của Trung Quốc. |
Hôm nay (17.9), nhiều công ty lớn của Nhật Bản đã tạm đóng cửa các nhà máy và văn phòng làm việc tại Trung Quốc, vài ngày sau các cuộc biểu tình của người Trung Quốc trên khắp cả nước do căng thẳng xoay quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tập đoàn sản xuất đồ điện tử nổi tiếng của Nhật Bản Panasonic đã ngừng một số hoạt động tại Trung Quốc sau các cuộc biểu tình chống Nhật tấn công 2 nhà máy của họ. Nhà máy của tập đoàn này tại Thanh Đảo sẽ hoạt động cho tới ngày 18.9. Một phát ngôn viên tập đoàn cho biết, họ sẽ tiếp tục giám sát tình hình chặt chẽ trong vòng 2 ngày tới.
Theo tờ Bloomberg, Tập đoàn Canon của Nhật Bản cũng sẽ ngừng hoạt động 3 nhà máy của họ tại Trung Quốc vào ngày 18.9.
Các nhà phân tích nhận định, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa hai nền kinh tế lớn thứ nhì và thứ ba thế giới này bắt đầu ảnh hưởng tới các công ty Nhật đang hoạt động tại Trung Quốc.
“Chúng tôi thấy rõ ràng là các công ty Nhật Bản đang bị tác động trực tiếp bởi các cuộc biểu tình”, chuyên gia Shaun Rein thuộc Nhóm nghiên cứu thị trường Trung Quốc cho hay.
Các cuộc tấn công nhằm vào các một số cơ sở kinh doanh của Nhật Bản làm dấy lên lo ngại về tác động của các cuộc biểu tình đối với đầu tư Nhật Bản tại Trung Quốc. Nhà phân tích Shaun Rein cho rằng, các cuộc biểu tình sẽ khiến một số công ty Nhật Bản bắt đầu nghiên cứu mở rộng hoạt động sản xuất tại Thái Lan, hoặc các quốc gia khác.
Ông cảnh báo những động thái như vậy sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và cũng tác động tới mối quan hệ thương mại chung giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này. “Chắc chắn các quan hệ thương mại sẽ bị tổn hại do các cuộc biểu tình tiếp diễn”.
Trong khi đó, báo chí Trung Quốc hôm nay lên tiếng cảnh báo Nhật Bản có thể hứng chịu “những thập niên thua lỗ” nữa nếu quan hệ thương mại hai nước xấu đi và Bắc Kinh quyết định áp đặt các biện pháp cấm vận do tranh cãi lãnh thổ leo thang. Năm 2011, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản khi quan hệ thương mại hai chiều đạt hơn 340 tỷ USD.
Tranh cãi chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông đã dẫn tới các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào các nhà kinh doanh nổi tiếng của Nhật Bản như Toyota và Honda, đẩy quan hệ giữa hai nước rơi vào khủng hoảng. Biểu tình nổ ra sau khi Nhật Bản tuyên bố họ đã ký một thỏa thuận mua lại 3 hòn đảo trong nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
|