Các cuộc biểu tình chống Nhật tại Bắc Kinh và nhiều nơi khác ở Trung Quốc do tranh chấp lãnh thổ căng thẳng đã hạ nhiệt dần, thế nhưng tranh cãi giữa hai nước không thể dễ dàng “biến mất” như vậy.
Trọng tâm của những tranh cãi lãnh thổ leo thang giữa Tokyo và Bắc Kinh là các hòn đảo không người ở trên biển Hoa Đông, nơi được cho là có thể chứa một trữ lượng dầu vô cùng phong phú nhưng cũng có thể nguồn tài nguyên này thấp hơn nhiều so với giá trị của chùm đảo.
Những đồn đoán bấy lâu nay về giá trị của quần đảo Senkaku (theo cách gọi của người Nhật) và Điếu Ngư (theo người Trung Quốc) chủ yếu dựa vào một báo cáo mơ hồ của LHQ năm 1969, được soạn thảo sau các cuộc khảo sát bởi nhóm chuyên gia quốc tế, bao gồm các nhà khoa học Trung Quốc và Nhật Bản.
|
Biểu tình chống việc“quốc hữu hóa” quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Nhật Bản diễn ra tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang Trung Quốc. |
Báo cáo cho rằng, khu vực đáy biển của quần đảo có khả năng chứa một trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt. Tuy nhiên, báo cáo không đưa ra bất kì con số ước tính cụ thể nào, chỉ nói rằng trữ lượng dầu khổng lồ trong khu vực có thể khiến dẫn tới một cuộc tranh chấp nảy lửa về lãnh thổ.
“Một khu vực lớn hơn vài lần so với Đài Loan nằm ở phía bắc của quần đảo có bể trầm tích dày trên 2km nhưng cũng có thể lên tới 9km nằm bên dưới Đài Loan. Trầm tích này có niên đại và cấu trúc tương tự lớp địa tầng bên dưới vùng biển Đài Loan, được biết có chứa dầu”, theo báo cáo. Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm cách Đài Loan khoảng 200km.
Vào những năm 1970, báo chí đồn đoán rằng chỉ riêng chùm đảo nằm giữa Đài Loan và Nhật Bản có thể chứa một trữ lượng tương đương 100 tỷ thùng dầu.
Một báo cáo của Nhật năm 1994 cho biết, trữ lượng dầu tối đa nằm toàn bộ bên phía Nhật Bản trên biển Hoa Đông ước tính khoảng 3,26 tỷ thùng. Tuy nhiên, Cục Tài nguyên thiên nhiên và Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng có rất ít số liệu xác thực liên quan tới nguồn dự trữ năng lượng xung quanh quần đảo, vốn cũng là một ngư trường dồi dào.
Về phần mình, báo cáo năm 2011 của Tập đoàn Dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) cho biết, công ty có 384,6 triệu thùng dầu và 303,7 tỷ bộ khối (billion cubic feet) khí ga tự nhiên trong số trữ lượng dầu thô đã được chứng minh của toàn khu vực Biển Hoa Đông.
Năm 2008, Nhật Bản và Trung Quốc đã thỏa thuận hợp tác phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực, cam kết biến khu vực thành “Vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị” trong thời gian chờ đợi ký kết một thỏa thuận về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ khu vực.
Thế nhưng tranh cãi âm ỉ bấy lâu nay bỗng nhiên bùng phát căng thẳng sau khi chính phủ Tokyo mua 3 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ một chủ tư nhân người Nhật.
Tranh cãi xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã làm xấu đi quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo, dẫn tới các cuộc biểu tình và tẩy chay hàng Nhật.
Các cuộc biểu tình trong vài ngày qua, bao gồm một số cuộc biểu tình bạo loạn, đã trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế và làm gia tăng lo ngại có thể dẫn tới một cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn thứ nhì và thứ ba thế giới, sau khi các công ty Nhật tuyên bố đóng cửa và cắt giảm sản xuất tại Trung Quốc.
Trước tình hình này, cảnh sát Bắc Kinh đã ra thông báo yêu cầu công dân nước này không tổ chức các cuộc biểu tình tại đại sứ quán và cảnh báo những ai cố ý phá hoại trong khi biểu tình sẽ bị bắt giữ, nhưng không nêu cụ thể là cấm các cuộc biểu tình.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Thần Đan Dương còn cảnh báo, tranh cãi lãnh thổ có thể ảnh hưởng tới việc phát triển bình thường quan hệ kinh tế-thương mại Trung-Nhật.
Bộ Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trước đó cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột do tranh chấp quần đảo, nhưng tin rằng hai bên “rất quan tâm tới việc tìm kiếm các giải pháp để giải quyết những vấn đề này”.
|